Ngày vui đại thắng rực cờ hoa
Ngày 30/4/1975 là một ngày đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, là ngày kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ ý nghĩa to lớn đó, mà nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc… ra đời. Lê Thị Ái Tùng - nữ nhà thơ, nhà văn với bút pháp điêu luyện khi viết về quê hương, đất nước, con người Việt Nam, cũng có những bài thơ về ngày đại thắng này:
Cờ, hoa rực rỡ khắp quê hương
Quân nhạc, diễu binh rộn quảng trường
Lão tướng đầu mang dài vết sẹo
Hồn như về lại chốn sa trường.
(50 năm ngày đại thắng)
Trong bài thơ “50 năm ngày đại thắng”, nhà thơ Lê Thị Ái Tùng đã sử dụng lối thơ xưa, đó là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Thể thơ này giúp nhà thơ khơi gợi lại ký ức, thông qua hiện tại, hình ảnh xưa ùa về. Khi đất nước đã thống nhất được 50 năm, người tướng già đứng trước cờ hoa, quân nhạc, đã không thể nào quên những năm tháng hào hùng mà vị tướng cùng nhiều đồng đội đã chiến đấu cho ngày toàn thắng.
Hình ảnh “đầu mang dài vết sẹo” là hình ảnh đắt giá. Một vết sẹo mà chiến tranh tàn khốc để lại trên đầu vị tướng. Hình ảnh vết sẹo trên đầu khiến chúng ta liên tưởng đến “vết chân tròn trên cát” trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến. Cả hai hình ảnh đều cho thấy chiến tranh gây ra những đau đớn không thể nào xoá sạch trên thân thể con người. Nhưng lão tướng không hề để ý đến vết sẹo của mình, mà đang nhớ lại chốn sa trường. Ở đó, những năm tháng trước đây, lão tướng cùng đồng đội đang mang trong mình ý chí một lòng thống nhất non sông.
Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng không viết “vị tướng già” hay “người tướng già” mà viết “lão tướng” thể hiện cho lối dùng chữ chuẩn mực, kính trọng vị tướng, cũng như cho thấy vị tướng là vị tướng tài, lão luyện. Từ “Lão” có thể được hiểu như từ “Lão” trong Lão Tử, hay cách gọi lão tướng thời phong kiến thể hiện sự kính trọng của nhân dân đối với họ, những người không tiếc thân mình để bảo vệ bình an cho đất nước.
Trong bài thơ “Cựu binh sau 50 năm”, nhà thơ Lê Thị Ái Tùng tiếp tục cho thấy sự bất ngờ trong ý tứ. Chỉ cần hai câu thơ cuối: “Sấm nổ rền vang, mưa chợt tới/ Giật mình tìm súng, ngỡ năm nào!”, đã cho thấy người cựu binh dù đã đi qua chiến tranh 50 năm, nhưng ám ảnh chiến tranh vẫn còn đó.
![]() |
Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng. |
Thời chiến, nghe tiếng đạn bom dội liên hồi, nên giờ đây, nghe tiếng sấm, tiếng mưa thôi, cũng đã khiến cựu binh tưởng mình đang trong cuộc chiến, vội đi tìm súng. Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh nhân văn, qua đó cũng ngầm lên án chiến tranh tàn khốc đến mức nào. Nhưng may mắn thay, những người lính năm xưa đã được trở về khi đất nước thống nhất. Đối với nhà thơ, tiếng đạn bom năm xưa đó, giờ đây đã được thay thế bằng: “Cờ, hoa rực rỡ khắp quê hương/ Quân nhạc, diễu binh rộn quảng trường”.
Đất nước vẹn tròn
Tiếp tục mạch thơ về ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ Lê Thị Ái Tùng đã đưa người đọc trở lại với Huế thân thương trong bài “Ta lại về với Huế thân thương”. Hình ảnh sông Hương, Vĩ Dạ, núi Ngự Bình, chợ Đông Ba lần lượt hiện lên bình dị, khiến người đọc lắng lại, suy tư.
Bài thơ cho biết, vì nhiệm vụ, người con phải xa mẹ, xa Huế thân thương. Ngày trở về, mẹ không còn nữa. Người con tự trách mình không lo được cho mẹ khi mẹ tuổi già sức yếu. Nhưng rồi, chắc mẹ cũng hiểu nỗi lòng con, và sau tất cả: “Hãy vui lên mừng nước nhà thống nhất/ Cờ đỏ tung bay trên đất nước vẹn tròn”.
Hình ảnh “đất nước vẹn tròn” là hình ảnh nên thơ, khái quát được sự thống nhất non sông, chấm dứt chiến tranh. Đó cũng là hình ảnh cho thấy đất nước hoà bình, no đủ. Thơ Lê Thị Ái Tùng luôn luôn như vậy, lúc nào cũng một lòng hướng về quê hương, đất nước, hướng về những nét đẹp văn hoá mà ông cha bao đời để lại. Thơ cũng như văn của bà, dù viết ở đề tài nào, cũng nói lên được tình người, sự lương thiện, dù là khi tả cảnh. Và khi viết về bất kỳ nhân vật nào, bà cũng thể hiện sự trung thực, khách quan của mình.
Trong tiểu thuyết “Sóng gió thời dĩ vãng”, qua lời nhân vật Thuỳ Dương, bà từng viết: “Bố mẹ tôi đều là con nhà nho giáo, ông bà nội, ngoại luôn dạy bảo các con cháu là phải sống sao cho có đạo đức: luôn luôn phải trung thực, không được lừa gạt ai, không làm hại đến ai”. Và phải chăng, đó cũng là tôn chỉ sống của bà ở đời và trong văn chương.
Qua những bài thơ viết về ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ Lê Thị Ái Tùng đã cho thấy sự thông minh, tài hoa của mình. Cùng với những nhà thơ viết về đề tài đất nước, người lính, nhà thơ Lê Thị Ái Tùng đã góp một bông hoa trong vườn hoa văn học về đề tài này.
Nhà thơ - Nhà văn Lê Thị Ái Tùng là cái tên quen thuộc với độc giả yêu thơ. Nhiều bài thơ của bà đăng rải rác ở các báo: Thăng Long Văn Việt, Nghệ Thuật Mới, Văn Việt, Báo Pháp luật Việt Nam… Bà tuổi đã cao, là cán bộ hưu trí, từng công tác tại Bộ Ngoại giao. Chồng bà là cán bộ lão thành Cách mạng. Bà là Hội viên Hội Nhà văn Việt - Nga, Hội viên Hội Nhà thơ Việt-Nga. Thơ bà mang dáng dấp của nhiều nhà thơ xưa. Tiểu thuyết “Sóng gió thời dĩ vãng” là một trong rất ít những cuốn sách xuất sắc ghi lại cảnh Hà Nội nói riêng, cảnh đất nước ta nói chung vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây là tiểu thuyết nhân văn, thể hiện sự sắc sảo, tinh thế của bà, cũng là một trong những tiểu thuyết rất hay về nhà giáo.
Nguồn: https://baophapluat.vn/nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen-trong-tho-le-thi-ai-tung-post547017.html
Bình luận (0)