Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những vị tướng của Bến Tre trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

BDK.VN - Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng với bao người lính “Bộ đội Cụ Hồ” từ khắp mọi miền cùng tham gia chiến đấu, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. trong đó có nhiều vị tướng anh hùng quê Bến Tre đã lập nên nhiều chiến công đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Báo Bến TreBáo Bến Tre21/04/2025


* Trung tướng Đồng Văn Cống: quê xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm. Đồng Văn Cống - Vị tướng đầu tiên thuộc lớp người hoạt động quân sự ở Bên Tre từ khi có Đảng. Ông có công xây dựng lực lượng vũ trang Bến Tre và chiến trường Khu 8 thời kháng Pháp, đóng góp tích cực trong xây dựng "Thế trận đồng bằng Nam Bộ" chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ trẻ ông đã sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu hoạt động bí mật từ năm 1936. Đến năm 1939, Đồng Văn Cống được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1946. Sau khi thực dân Pháp chiếm Bến Tre, Đồng Văn Cống là người khởi xướng, lãnh đạo đội du kích xã Tân Hào.

Khi thành lập, đội du kích Tân Hào chỉ có khoảng 30 người với 4 súng lửa, mấy quả lựu đạn tự tạo, bắt đầu phục kích, tiêu diệt quân Pháp tại cầu Ba Ngởi. Đội du kích của ông càng đánh càng tạo được tiếng vang lớn, tác động mạnh đến tinh thần chiến đấu của nhân dân, thu hút đông đảo thanh niên địa phương xin gia nhập vào đoàn quân “Bộ đội ông Cống”.

Trong hai cuộc kháng chiến, Trung tướng Đồng Văn Cống đã đảm nhận nhiều vai trò quan trọng và có đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Tỉnh đội trưởng Bến Tre; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330; Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, các Quân khu 7, 8, 9; Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam từ năm 1965 - 1972; Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được nhân dân ca ngợi là "vị tướng bưng biền" và được tôn xưng là người anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre.                           

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975) lịch sử, đồng chí giữ quyền Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Miền kiêm Tư lệnh Quân đoàn dự bị, sẵn sàng đối phó nếu quân Mỹ tái can thiệp vũ trang, là vị tướng có mặt sớm nhất ở Sài Gòn để tổ chức tiền trạm đón Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh vào tiếp quản Sài Gòn.

* Đại tướng Lê Văn Dũng tên thật là Nguyễn Văn Nới, sinh ngày 25-12-1945, tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trước Đồng Khởi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Nới tham gia công tác bí mật và được đổi tên là Lê Văn Dũng (hay còn gọi là Bảy Dũng).

Nhìn lại chặng đường dài mà Đại tướng Lê Văn Dũng đã đi qua, chỉ có thể nhận xét ông đã có một sự nghiệp vẻ vang, đáng tự hào. Năm 24 tuổi, ông mang hàm Đại úy - Chính trị viên tiểu đoàn. 5 năm sau, ông trở thành Trung tá – Chính ủy trung đoàn. Đến năm 35 tuổi, ông là thượng tá - Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng. 41 tuổi, ông thành Đại tá - Sư đoàn trưởng. 44 tuổi là Thiếu tướng – Phó tư lệnh Quân đoàn 4 trực thuộc Bộ Quốc phòng và 46 tuổi là Tư lệnh quân đoàn.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng với đồng chí đồng đội của mình trong Trung đoàn 1 có nhiệm vụ tiêu diệt và đập tan tuyến phòng thủ vùng ven từ Trầm Lạc cầu Xáng lộ 10, đến ngã năm Vĩnh Lộc, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng: Biệt khu Thủ đô, cùng các đơn vị bạn đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Đại tướng Lê Văn Dũng là vị tướng trưởng thành từ chiến sĩ, trải qua nhiều cương vị công tác, tham gia nhiều chiến trường, trận mạc. Nếu tính từ năm 1963 đến năm 1989, đồng chí đã có 26 năm chiến đấu và học tập liên tục, đã trực tiếp chiến đấu 179 trận, nhiều lần bị thương, và hiện nay vẫn còn một số mảnh đạn trong người.

Với thành tích chiến đấu và công lao to lớn trong xây dựng quân đội Đại tướng Lê Văn Dũng đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 5 Huân chương Chiến công các loại, 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Nhà nước Campuchia trao tặng, 1 Huân chương Ítxala hạng Nhất do Nhà nước Lào trao tặng. Đại tướng Lê Văn Dũng đã góp phần xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, là chỗ dựa tin cậy, công cụ sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

* Trung tướng Võ Viết Thanh (thường gọi là Bảy Thanh) sinh năm 1943, quê xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 16 tuổi, ông đã là một chiến sĩ biệt động, chiến đấu ở nhiều địa bàn. Năm 1960 ông bị thương ở chiến trường, bị địch bắt tù 8 tháng rồi phải thả vì không khai thác được gì từ người chiến sĩ kiên trung. Năm 17 tuổi, Võ Viết Thanh xung phong nhập ngũ, được phân công hoạt động trong thị xã, đồng chí vận động bạn bè cùng mình dùng lựu đạn diệt địch.

Cuối 1960, bị địch bắt, dù chúng dùng mọi cực hình tra tấn và mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc hơn 8 tháng. Võ Viết Thanh vẫn kiên cường, bất khuất. Từ tháng 8-1961, thoát khỏi nhà tù của địch, Võ Viết Thanh nhận công tác ở xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh, với nhiệt tình và quyết tâm cao, đồng chí nỗ lực học tập, nghiên cứu đã sản xuất được nhiều loại vũ khí, đánh địch có hiệu quả. Trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt, Võ Viết Thanh phụ trách 1 bộ phận bám sát chiến trường, trong 2 năm (1967 và 1968), vừa sản xuất vừa chiến đấu. Võ Viết Thanh tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm công phu, đã chế tạo thành công những khẩu súng cối, đại bác không giật… kịp thời cho bộ đội tỉnh đánh địch trong Xuân 1968.

Năm 1970, ông được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 4 Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 với nhiệm vụ bí mật, bất ngờ đánh vào một số cơ quan đầu não của địch ở nội thành và chốt chặn những vị trí giao thông quan trọng để đón các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn như: dinh Độc lập, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, Trường Huấn luyện Quang Trung, chốt giữ cầu Cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Rạch Chiếc, các ngã ba, ngã tư… để chi phối các khu vực nội thành, mở cửa cho các quân đoàn chủ lực tiến vào Sài Gòn.

Võ Viết Thanh và đồng đội liên tục lập được chiến công, tiêu diệt được rất nhiều địch. Có những nhiệm vụ tưởng chừng không thể thực hiện nối, nhưng bằng trí thông minh và quyết tâm, ông và đồng đội đã vượt qua bao khó khăn và nguy hiểm để hoàn thành thật tốt trong mọi tình huống chiến đấu. Sau nhiều năm công tác và chiến đấu, từ một chiến sĩ trong lực lượng quân giải phóng ông đã trưởng thành và khẳng định được bản lĩnh của mình.

* Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh (Mười Thi) quê ở xã Thanh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Sự nghiệp cách mạng của ông đã trải qua gắn liền với bước đi lên của cách mạng mà biết bao đồng chí, đồng bào đã anh dũng và kiên cường chiến đấu, giành thắng lợi to lớn cho Tổ quốc.

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Mười Thi tham gia cướp chính quyền ở huyện Bình Đại, sau đó tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trọn đời sống và dâng hiến cho Tổ quốc và nhân dân, ông đã trở thành tấm gương về ý chí cách mạng, gương hy sinh quên mình vì dân vì nước. Sống giản dị, trong sạch, hòa mình với quần chúng, tướng Mười Thi được đồng đội, đồng chí và nhân dân hết lòng thương yêu, tin tưởng.

Giữa năm 1970, đang làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 8, ông được lệnh trở về tỉnh Bến Tre thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tổ chức chỉ huy đón nhận hàng chi viện từ miền Bắc chuyển vào bằng đường biển. Sau chuyến công tác đặc biệt, ông trở về quân khu nhận nhiệm vụ Phó Chính ủy Quân khu 8. Tình hình chiến trường Quân khu 8 ngày càng phát triển. Sau Hiệp định Paris, địch bung ra càn quét, giành dân lấn đất. Ta buộc phải trừng trị. Cuối năm 1974, trên các chiến trường, ta liên tiếp thắng lớn, Trung ương Cục quyết định cho quân khu thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên. Năm 1974, tại huyện Cái Bè (Mỹ Tho), Sư đoàn 8 được thành lập và ông được điều về làm Chính ủy sư đoàn. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đội hình Sư đoàn 8, trên cương vị Chính ủy sư đoàn, ông đã cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm, ngã ba Trung Lương, tiến vào giải phóng TP. Mỹ Tho, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Và còn nhiều nữa những tấm gương anh hùng trên mảnh đất Bến Tre Đồng Khởi như:  Nũ tướng Nguyễn Thị Định, Thiếu tướng Dương Văn Dương, Trung tướng Nguyên Xuân Hoà, Thiếu tướng Nguyên Hưu Vị, Thiếu tướng Huỳnh Xuân Quang, Trần Minh Tích… cùng những người dân thầm lặng, những chiến sĩ, những Mẹ Việt Nam anh hùng…  Họ đã sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

H. Anh (tổng hợp)

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/nhung-vi-tuong-cua-ben-tre-trong-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-21042025-a145544.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm