Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực mở rộng các kênh tiêu thụ vải thiều

Năm 2025, vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Ninh được mùa nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ do lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Trước thực tế đó, tỉnh không ngừng đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nên vải thiều không chỉ giữ vững thị trường nội địa mà còn vươn xa trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân18/07/2025

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh (ngồi giữa) livestream bán vải thiều.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh (ngồi giữa) livestream bán vải thiều.

Tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của miền bắc. Sản lượng tiêu thụ vải thiều đạt hơn 182.500 tấn tính đến ngày 7/7/2025, vượt 105,4% kế hoạch. Sự thành công này là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng hóa kênh tiêu thụ, từ các siêu thị, sàn thương mại điện tử, khu công nghiệp trong nước đến thị trường quốc tế khắt khe như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Canada...

Đa dạng và sáng tạo các kênh tiêu thụ

Thị trường nội địa tiếp tục là trụ cột tiêu thụ vải thiều, với khoảng 119.600 tấn, chiếm 65,5% tổng sản lượng. Vải thiều Lục Ngạn mới được phân phối rộng rãi qua các kênh truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân sinh, và các kênh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích. Hệ thống siêu thị như: Saigon Co.op, Central Retail, và MM Mega Market đã tích cực tham gia phân phối, với giá bán linh hoạt theo khu vực: miền bắc từ 15.000-25.000 đồng/kg, miền trung 25.000-40.000 đồng/kg, và miền nam 30.000-50.000 đồng/kg.


Để đưa vải thiều đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với thành phố Hà Nội triển khai tuần lễ vải thiều từ giữa tháng 6/2025. Các điểm bán được bố trí tại khu chung cư, khu đô thị lớn, và khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận sản phẩm chất lượng cao. Chương trình không chỉ thúc đẩy tiêu thụ mà còn quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, khẳng định giá trị của nông sản đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Một điểm nhấn nổi bật trong chiến lược tiêu thụ nội địa là việc đưa vải thiều vào các khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh mới, tổ chức Chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn” tại các khu công nghiệp để lan tỏa giá trị vải thiều tới hơn 230.000 công nhân làm việc. Mỗi điểm bán tiêu thụ trung bình 500-700 kg vải/ngày, phục vụ công nhân trong khung giờ tan ca từ 16 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút. Sự kiện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn tạo cơ hội để công nhân và chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, trải nghiệm hương vị đặc sản Lục Ngạn.

Chinh phục thị trường quốc tế

Xuất khẩu vải thiều năm 2025 đạt khoảng 63.000 tấn, chiếm 34,5% tổng sản lượng, với thị trường Trung Quốc dẫn đầu (62.100 tấn), tiếp theo là EU (167 tấn), Mỹ (116 tấn), Nhật Bản (163 tấn), Canada (143 tấn), Australia (212 tấn), và Trung Đông (50 tấn)... Những thị trường khó tính như Mỹ, EU, và Nhật Bản đòi hỏi vải thiều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và GlobalGAP, vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định được vị thế.

Một cột mốc đáng tự hào, khi vải thiều Bắc Ninh xuất hiện trên kệ siêu thị Costco, một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Công ty Dragonberry (Mỹ) đã hợp tác với các đối tác Việt Nam từ năm 2022, xuất khẩu thành công 100 tấn vải thiều tươi sang Mỹ, Canada và Nhật Bản trong năm 2025. Theo bà Amy Nguyễn, Chủ tịch Dragonberry, cho biết: Thách thức lớn chính là năng lực xử lý chiếu xạ tại Việt Nam còn hạn chế, làm tăng chi phí logistics và ảnh hưởng độ tươi của vải. Doanh nghiệp kỳ vọng nhận được hỗ trợ để phát triển giống vải phù hợp vận chuyển đường dài và nâng cấp hệ thống logistics.

Tại châu Âu, hơn 100 tấn vải thiều chín sớm từ huyện Tân Yên đã “hạ cánh” sân bay Charles de Gaulle, Paris, vào ngày 14/6, thông qua Công ty cổ phần Mova Plus (Cộng hòa Séc). Lô hàng được phân phối đến chợ đầu mối Rungis International Market, chợ nông sản lớn nhất thế giới, phục vụ 18 triệu người tiêu dùng tại Pháp và các nước lân cận. Với giá bán buôn từ 7,2-8 euro/kg, vải thiều chín sớm Tân Yên đã chinh phục người tiêu dùng châu Âu nhờ vị ngọt thanh và chất lượng đồng đều. Hệ thống kho lạnh và logistics hiện đại tại Rungis bảo đảm độ tươi ngon, mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông sản Việt Nam khác như chanh dây, thanh long và gạo thơm.

Đồng hành với người trồng vải

Sự thành công của mùa vụ vải thiều 2025 không thể thiếu vai trò chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh mới. Ngay sau sáp nhập, tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 7/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn đã chỉ đạo tăng cường kết nối tiêu thụ vải thiều, nhất là với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Sau đó đồng chí Vương Quốc Tuấn cũng đã trực tiếp tham gia đoàn công tác tham quan vùng vải thiều và chứng kiến lễ ký kết thu mua 100 tấn vải thiều giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp trong khu công nghiệp như Foxconn (30 tấn), Welstory (11 tấn), Crystal Martin (10 tấn), và Luxshare Việt Nam (10 tấn).

Đồng hành với người dân tiêu thụ vải thiều, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thịnh đã livestream bán vải thiều trong khuôn khổ “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn-Tự hào nông sản Việt”. Ngay trong buổi đầu chỉ trong 6 giờ lên sóng, ông Thịnh đã cùng đội ngũ bán, tiêu thụ 55 tấn vải. Phiên livestream thu hút đơn hàng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Australia. Ông Phạm Văn Thịnh chia sẻ: “Tôi tin vào trái vải Lục Ngạn và muốn lan tỏa niềm tin đó đến người tiêu dùng”. Phiên livestream của ông Thịnh không chỉ thúc đẩy tiêu thụ vải thiều mà còn truyền cảm hứng cho nông dân và thế hệ trẻ tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số mở rộng thị trường tiêu thụ vải cho người dân. Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị TikTok Shop và Siêu thị online Sendo Farm tổ chức các hoạt động Farm Tour, Mega Live, và tập huấn kỹ năng livestream cho nông dân. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Trung Quốc để quảng bá vải thiều; tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP để kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã và thương nhân, tạo nền tảng cho các thỏa thuận bao tiêu sản phẩm.

Với chiến lược bài bản và sự đồng hành của lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân, mùa vụ vải thiều năm 2025 cơ bản khép lại hứa hẹn sẽ tiếp tục chinh phục thị trường trong và ngoài nước, khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản toàn cầu ■

Nguồn: https://nhandan.vn/no-luc-mo-rong-cac-kenh-tieu-thu-vai-thieu-post894704.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm