Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi ký ức chiến tranh sống mãi và lòng tri ân được gửi trao

Phần lớn những người đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hải Dương từng trải qua chiến tranh, nơi ký ức vẫn còn sống mãi trong họ.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng26/07/2025

noi-ky-uc-o-lai(1).jpg
Nhờ được chăm sóc tốt nên các cựu chiến binh tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hải Dương đều có sức khỏe ổn định

Những ngày cuối tháng 7/2025, chúng tôi trở lại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hải Dương (thuộc Sở Y tế TP Hải Phòng) tại phường Trần Hưng Đạo. Bước qua cánh cổng trung tâm, chúng tôi như bước vào một thế giới hoàn toàn khác - nơi những con người được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây đều rất đặc biệt.

Ký ức như chiêm bao

Nằm riêng biệt trong khuôn viên trung tâm là khu chăm sóc người có công và thân nhân bị bệnh tâm thần. Khu vực sạch sẽ, thoáng đãng này là nơi ăn nghỉ của 17 cựu chiến binh và 46 thân nhân người có công. Hôm nay là ngày đặc biệt, các cựu chiến binh được đón tiếp nhiều đoàn khách đến thăm, tặng quà nhân dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7. Biết có người đến thăm, các bác vui lắm, đôi mắt mờ đục vẫn ánh lên, những nụ cười móm mém hiện rõ trên gương mặt.

Nhìn vậy nhưng cách đây 40 - 50 năm, họ từng là những chiến sĩ trẻ không tiếc tuổi xuân, xông pha ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức đau thương vẫn còn nguyên trong tâm trí, trở thành vết hằn không thể xóa mờ. Những lúc tỉnh táo, họ có thể trò chuyện như bao người khác nhưng khi cơn bệnh tái phát, họ lại trở thành một con người khác hoàn toàn.

Trong tâm trí ông Bùi Thanh Quang (sinh năm 1964), bệnh binh hạng 1/3, quê ở xã Gia Lộc, những tháng ngày quân ngũ vẫn luôn hiện hữu.

Theo lời kể của các bác sĩ, ông Quang từng là lính tăng thiết giáp. Trong chiến đấu, ông chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh quá nhiều, để lại những ám ảnh khôn nguôi.

Từ ngày vào trung tâm điều dưỡng, ông gần như không giao tiếp với bất kỳ ai. Đôi khi, trong vô thức, ông thực hiện các động tác điều lệnh quân đội hoặc mô phỏng tư thế cầm súng rồi hét lên những tiếng “Pằng! Pằng! Pằng!”…

Chỉ khi được các bác sĩ nhẹ nhàng xoa dịu, ông mới dừng lại.

Ông Trần Xuân Liệp (sinh năm 1957), thương binh hạng 3/4, quê xã Phú Thái, là một trong những người về trung tâm từ ngày đầu thành lập. Ông vẫn khá nhanh nhẹn, nhớ vanh vách tên tiểu đội, sư đoàn, nhiệm vụ từng được giao. Ông từng làm nhiệm vụ quốc tế và kể về công việc của mình bằng tất cả niềm tự hào. Thế nhưng, khi được hỏi về những câu chuyện gần đây, ông lại mơ hồ, không thể nhớ được…

Khoa Người có công của Trung tâm đang chăm sóc 17 cựu chiến binh. Người trẻ nhất đã 56 tuổi, người cao tuổi nhất ngoài 80. Họ đều đã tuổi cao, sức yếu, không còn người thân trực tiếp chăm sóc nên được gửi gắm vào đây. Có người đã gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, có người sẽ sống trọn phần đời còn lại nơi đây như một mái nhà thứ hai chan chứa yêu thương và trách nhiệm.

Chăm sóc bằng trái tim

noi-ky-uc-o-lai1(1).jpg
c cựu chiến binh tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hải Dương được các điều dưỡng chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ

Ngoài 17 cựu chiến binh, Khoa Người có công còn chăm sóc 46 người là con liệt sĩ hoặc con của thương binh, bệnh binh bị nhiễm chất độc hoá học. Dù sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng họ vẫn đang phải gánh chịu những hệ lụy đau thương mà chiến tranh để lại.

Thấu hiểu những thiệt thòi ấy, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên trung tâm luôn làm việc với tất cả tình cảm và trách nhiệm.

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thị Kim Thoa là người đã gắn bó nhiều năm với công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Khoa Người có công. Hằng ngày, chị Thoa cùng điều dưỡng theo dõi huyết áp, tình trạng phản ứng thuốc của từng bệnh nhân. Việc kê đơn cũng được điều chỉnh tùy theo thể trạng, tiến triển bệnh để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Không chỉ điều trị bằng thuốc, các bác sĩ còn áp dụng các liệu pháp tâm lý, vật lý trị liệu, cho bệnh nhân tham gia các hoạt động lao động nhẹ nhàng để kích thích não bộ và khí huyết lưu thông, góp phần phục hồi vận động.

Đa phần các cựu chiến binh điều trị tại đây đều cao tuổi, mắc bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao, thoái hóa khớp… nên việc chăm sóc đòi hỏi sự tận tâm và theo dõi sát sao.

Chị Nguyễn Thị Nhung, Phó Trưởng Khoa Người có công chia sẻ: “Các bác đều tuổi cao, nhiều người tay run không thể tự ăn uống. Chúng tôi hỗ trợ từng bữa cơm, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân. Có bác huyết áp cao phải ăn chế độ riêng, có bác không ăn được cơm thì chuyển sang cháo, bánh đa hoặc đút từng thìa".

Chăm người có công tuy vất vả nhưng các bác sĩ, nhân viên coi đó là trách nhiệm, tình thương. Mỗi lần thấy các bác tái phát bệnh, họ càng thêm khâm phục, trân trọng những hy sinh mất mát.

Không chỉ chăm sóc thể chất, từ năm 2014, trung tâm còn thực hiện chủ trương đưa các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa.

Sau 6 năm tổ chức, trung tâm đã đưa các bệnh nhân từng bước trở lại với cộng đồng qua những chuyến đi tới nhà tù Sơn La, Điện Biên Phủ, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Côn Đảo, Tây Nguyên…

Dù việc tổ chức tốn nhiều công sức và tiềm ẩn rủi ro nhưng tất cả các chuyến đi đều an toàn, mang lại hiệu quả tích cực. Bệnh nhân sau những chuyến đi trở nên vui vẻ, cởi mở, hòa nhập tập thể tốt hơn và đặc biệt là phần nào giải tỏa được nỗi cô đơn sau nhiều năm sống khép kín.

THANH HOA

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/noi-ky-uc-chien-tranh-song-mai-va-long-tri-an-duoc-gui-trao-417340.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm