Ngày 23/1/1961, Ủy ban Hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn Văn công tỉnh (nay là Đoàn Nghệ thuật tỉnh). Ngay sau khi thành lập, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ biểu diễn còn thô sơ, thiếu thốn, phương tiện vận chuyển chỉ là đôi vai của các diễn viên, ánh sáng sân khấu được phát ra từ những chiếc đèn măng- xông. Nhưng vượt lên những khó khăn, thiếu thốn đó là sự nhiệt huyết và lòng say mê nghệ thuật của tập thể nghệ nhân, diễn viên trong đoàn. Những năm tháng đó, đoàn đi biểu diễn nhiều đợt, chủ yếu phục vụ các địa phương vùng cao hẻo lánh với những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc địa phương, được đông đảo nhân dân yêu thích.
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Quỳnh Nha - một trong những diễn viên thế hệ đầu tiên của Đoàn Văn công Cao Bằng nhớ lại: Năm 1970, lần đầu tiên Đoàn tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp miền Bắc, anh chị em trong đoàn rất tự hào xen lẫn hồi hộp, lo lắng vì đây là hội diễn dành cho các đoàn văn công chuyên nghiệp toàn miền Bắc. Với sự quyết tâm và động viên của lãnh đạo Ty Văn hóa, các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn không quản ngày đêm tập luyện và xác định đây là dịp để học hỏi, chưa hy vọng đến giải thưởng. Tuy nhiên, sự cố gắng của các diễn viên Đoàn Văn công Cao Bằng đã được đền đáp, tổng kết hội diễn, đoàn đạt 1 giải nhất vở diễn “Về Bản Mới”, 4 giải nhì vở “Cây B’Reng Trường Sơn” và 3 diễn viên xuất sắc Hoàng Quỳnh Nha, Nông Ngọc Bút, Nông Thị Sơ. Đó là phần thưởng xứng đáng cho kết quả lao động miệt mài luyện tập, hăng say yêu nghề, mạnh dạn sáng tạo của tập thể đoàn và các cá nhân xuất sắc vượt lên chính mình mang lại thành tích tốt nhất về cho tỉnh.
Tháng 12/1970, Bộ Văn hóa - Thông tin và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lựa chọn một số đoàn nghệ thuật tiêu biểu khu vực Việt Bắc, trong đó có Đoàn Văn công xung kích Cao Bằng đi biểu diễn phục vụ chiến trường miền Nam. Ty Văn hóa tỉnh chọn lựa 16 đồng chí trong Đoàn Văn công do đồng chí Nông Hà Thìn làm đội trưởng, nghệ sĩ Bế Xuân Tiến làm đội phó và các thành viên. Từ năm 1970 - 1971, Đoàn Văn công xung kích Cao Bằng đã phục vụ Đoàn bộ 559, Binh trạm 14 giáp đất Lào là một trong những trọng điểm Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt, bởi nơi đây là huyết mạch của đường mòn Hồ Chí Minh, NSƯT Hoàng Kim Tuế, nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh khi đó mới 16 tuổi xung phong lên đường tham gia phục vụ chiến trường bồi hồi nhớ lại: Anh chị em diễn viên luôn xác định cho mình đã vào chiến trường là trở thành một người lính, sẵn sàng đón nhận gian khổ, hy sinh, họ trèo đèo, lội suối, mang vác hành quân bộ, ngày diễn đêm nghỉ đã trở thành một nếp sinh hoạt, một kỷ luật nghiêm túc ở chiến trường với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tiếng hát át tiếng bom”. Ngoài nhiệm vụ biểu diễn, anh chị em chia sẻ, động viên các chiến sĩ yên tâm chiến đấu, chị em giúp bộ đội khâu vá quần áo, chăm sóc thương binh, bệnh binh, thể hiện tình cảm sâu sắc của những người cùng chung một chiến hào…
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, năm 1976, hợp nhất tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng. Tuy vậy, thiết chế Đoàn Văn công 2 tỉnh vẫn hoạt động độc lập như trước, chỉ khi phục vụ những sự kiện trọng đại mới huy động lực lượng của hai đoàn phối hợp tham gia. Đây là một trong những thuận lợi cơ bản để hai đoàn tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn vốn đã đi vào nền nếp và tiếp tục phát huy sáng tạo trong thời gian tiếp theo. Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy diễn viên trong đoàn đều xuất thân từ các diễn viên nghệ thuật quần chúng, chưa từng được đào tạo qua các trường lớp chính quy, lãnh đạo ngành văn hóa và đoàn động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho diễn viên trẻ đi đào tạo tại các trường nghệ thuật Việt Bắc và Trung ương. Đoàn Văn công tỉnh dần ổn định, đủ điều kiện phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong thời gian diễn ra chiến sự biên giới (1979), Đoàn Văn công tỉnh tổ chức thành các đội văn nghệ xung kích, vượt khó khăn tập luyện các tiết mục để kịp thời phục vụ, động viên chiến sĩ và nhân dân các dân tộc, góp phần cùng các hoạt động văn hóa thông tin, tuyên truyền của ngành, tạo nên phòng tuyến văn hóa vững chắc. Ngay sau chiến sự, thực hiện chỉ thị của Bộ Văn hóa - Thông tin, các đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ giúp đoàn xây dựng các chương trình nghệ thuật. Chỉ trong 5 năm (1980 - 1985), đoàn xây dựng nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật có chất lượng cao đi biểu diễn phục vụ và tham gia 2 hội diễn toàn quốc (hội diễn năm 1982 tại Hà Nội, hội diễn năm 1985 tại Hải Phòng) với tiết mục “Kịch múa Kim Đồng” do Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Minh Tiến biên đạo; liên khúc hát múa “Đêm biên giới” do tác giả Nguyên Nhung - Chương Châu Mỹ và tiết mục đàn tính “Điểm tựa”, thơ Nguyễn Hữu Thọ, biểu diễn Mã Sĩ Hoan; “Tiếng gọi của em”, biên đạo múa Đình Quỳ, âm nhạc Đào Việt Hưng; bài hát “Em đã nghe” của nhạc sĩ Đàm Thanh do ca sĩ Xuân Ái và tốp nữ biểu diễn. Đơn ca nữ Kim Tuế bài “Bản Mông đón dũng sĩ”; đơn ca nữ “Lời hát ru của người trồng rừng”; tốp ca nữ Acabela không nhạc đệm “Lời hát ru của cô gái trẻ”, sáng tác của nhạc sĩ Đàm Thanh, do nghệ sĩ Dương Liễu và tốp nữ thể hiện. Kết quả cả 2 kỳ hội diễn đoàn giành được nhiều giải thưởng, huy chương vàng, huy chương bạc và được ban tổ chức đánh giá cao.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đoàn Nghệ thuật tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu, sáng tạo, không ngừng xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, hiện đại với phương châm tiếp thu, bảo tồn những tinh hoa văn hóa có giá trị, trân trọng truyền thống nghệ thuật phong phú và quý giá của các dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đề ra; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 về “phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đoàn Nghệ thuật tỉnh có nhiều đổi mới trong tổ chức các hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật, góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, cổ vũ những điển hình tiên tiến trong xã hội hướng công chúng đến chân - thiện - mỹ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đoàn Nghệ thuật tỉnh coi đây là một trong những nhiệm chính trị quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Đặc biệt, trong những năm đại dịch Covid-19 bùng phát, các nghệ sĩ, diễn viên đã vượt qua khó khăn, linh hoạt tổ chức nhiều mô hình biểu diễn, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng quay phim ghi hình hàng chục chương trình nghệ thuật phát sóng phục vụ nhân dân. Những tiết mục nghệ thuật của đoàn kịp thời động viên tinh thần cán bộ ngành y tế và người dân quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Những năm gần đây, đoàn tích cực tham gia các sự kiện nghệ thuật lớn của tỉnh như: Lễ hội thác Bản Giốc, sự kiện kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh và đón Bằng công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần thứ II/2024, đại nhạc hội Countdown chào Xuân 2025… với những tiết mục hoành tráng để lại ấn tượng đặc biệt đối với khán giả.
NSƯT Ma Thị Hương Lan cho biết: Trải qua chặng đường bền bỉ lao động nghệ thuật, khiêm tốn học hỏi, tình yêu nghề say mê đã giúp các thế hệ diễn viên gặt hái nhiều thành công biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong nước và giao lưu quốc tế. Trong suốt quá trình hoạt động, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, đoàn tham dự 15 kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực, các cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế, được ban tổ chức trao tặng hơn 90 huy chương các loại và nhiều phần thưởng cho các tập thể, cá nhân. Đoàn vinh dự được Nhà nước tặng những phần thương cao quý như: 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, 1 Huân chương Lao động hạng ba; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; nhiều Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh trao tặng.
Vinh dự, tự hào, nhiều diễn viên, nghệ sĩ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý: nguyên Đoàn phó Hoàng Quỳnh Nha được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993; nghệ sĩ Dương Liễu được phong tặng NSƯT năm 1997, năm 2012 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Hoàng Kim Tuế được phong tặng NSƯT năm 2002; Trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật Ma Thị Hương Lan được phong tặng NSƯT năm 2019; nghệ sĩ Trần Đức Cảnh được phong tặng NSƯT năm 2019; nghệ sĩ Lâm Thị Minh Huệ được phong tặng NSƯT năm 2023, đó là những phần thưởng cao quý được Nhà nước ghi nhận trong quá trình lao động hết mình, phấn đấu không mệt mỏi của các nghệ sĩ cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức từ những ngày đầu thành lập, Đoàn Nghệ thuật tỉnh luôn phát huy truyền thống và vươn lên trở thành điểm tựa để cho những tài năng nghệ thuật các dân tộc thiểu số Cao Bằng tiếp tục cất cánh bay cao, bay xa.
Nguồn: https://baocaobang.vn/noi-toa-sang-tai-nang-nghe-thuat-bieu-dien-cac-dan-toc-thieu-so-3176910.html
Bình luận (0)