Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân huyện Phú Thiện nâng cao thu nhập nhờ nuôi trồng thủy sản

(GLO)- Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tận dụng diện tích ao hồ, mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Không chỉ cải thiện đời sống gia đình, mô hình này còn góp phần tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai20/04/2025

12.jpg
Ông Hoàng Anh Tuấn (ngồi; thôn Nam Hà, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đã chuyển đổi 2 sào diện tích đất trồng lúa sang nuôi cá giống, mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Đinh Yến

Nhiều năm qua, ông Hoàng Anh Tuấn (thôn Nam Hà, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đã thành công trong việc chuyển đổi 2 sào diện tích trồng lúa sang nuôi cá giống. Vợ chồng ông Tuấn quê ở Ninh Bình, vào lập nghiệp trên mảnh đất Ia Ake từ năm 2000. Lúc ấy, ông mua được 7 sào đất để trồng lúa nước.

"Làm lúa nước chỉ đủ lương thực, còn kinh tế gia đình rất khó khăn. Vì thế, đến năm 2005, sau khi học cách nuôi các loại cá giống như: trắm cỏ, chép lai... từ một người bạn ở quê nhà, tôi đã mạnh dạn đào ao nuôi cá"-ông Tuấn cho hay.

Cá giống hợp khí hậu, nguồn nước Ia Ake nên cho sản lượng cao. Với 4 tạ cá giống/2 sào diện tích mặt nước, giá bán trung bình 150 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí, lãi gấp 3 so với trồng lúa trên cùng 1 diện tích.

“Mỗi năm, gia đình thu hoạch 2 vụ cá giống, cho thu nhập gần 30 triệu đồng. Cùng với đó, chúng tôi còn trồng 1 ha điều, 7 sào lúa và chăn nuôi thêm 4 con heo nái. Sau khi trừ chi phí, gia đình cũng còn lãi được hơn 100 triệu đồng”-ông Tuấn nói.

Để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích mặt nước và cải thiện thu nhập cho người dân, tháng 10-2024, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện (cũ) đã triển khai mô hình nuôi cá trắm đen trong ao hồ nhỏ có tổng diện tích 7.500 m2, với 3.825 con cá hỗ trợ cho 3 hộ dân: Trần Văn Sơn (xã Ia Yeng), Hoàng Anh Tuấn (xã Ia Ake) và Nguyễn Văn Huy (xã Ia Sol).

Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 210 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp 202 triệu đồng. Thời gian triển khai 1 năm (từ tháng 9-2024 đến tháng 9-2025).

13.jpg
Ông Trần Văn Sơn (áo trắng kem) triển khai mô hình nuôi cá trắm đen trên diện tích 3 sào mặt nước. Ảnh: Đinh Yến

Là một trong 3 hộ tham gia mô hình, ông Trần Văn Sơn cho biết: Gia đình tôi có diện tích 3 sào mặt nước. Trước đó, tôi chỉ nuôi cá trắm, mè và rô phi, thu nhập không cao.

Tháng 9-2024, được hỗ trợ từ địa phương, gia đình tôi cùng 2 hộ khác chung vốn, chuyển sang nuôi cá trắm đen theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Sau 6 tháng, hiện cá đạt trọng lượng 0,8-1 kg.

“Hiện gia đình đang nuôi hơn 1.500 con cá trắm đen. Dự kiến 1 năm sau, khi cá phát triển khoảng 1,8-2 kg/con thì mỗi năm tôi thu được khoảng 1,8 tấn cá. Với giá bán theo thị trường như hiện nay (dao động 140-160 ngàn đồng/kg) thì gia đình sẽ lãi hơn 120 triệu đồng"-ông Sơn nhẩm tính.

Theo các hộ dân, cá trắm đen dễ chăm sóc, có thể tận dụng được các loại thức ăn sẵn như ốc, lá sắn, các phụ phẩm nông nghiệp và cám công nghiệp để chăm nuôi nên giảm nhiều chi phí.

Từ hiệu quả bước đầu, huyện Phú Thiện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá trắm đen cũng như kỹ thuật nuôi cá giống, chăm sóc và phòng bệnh, hướng dẫn cách chọn giống và thu hoạch đúng kỹ thuật.

Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ con giống và thức ăn ban đầu cho các hộ để nhân rộng mô hình.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện-cho hay: “Mô hình nuôi cá trắm đen đang triển khai cho 3 hộ dân trên địa bàn 3 xã bước đầu mang lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục vận động các hộ mở rộng diện tích mặt nước, nhân rộng mô hình, hình thành tổ hợp tác nuôi cá để tăng khả năng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Ngoài việc tận dụng nguồn nước tự nhiên, nhiều hộ dân còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản như: sử dụng giống cá chất lượng cao, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp và phòng bệnh cho cá bằng các biện pháp sinh học. Nhờ đó, năng suất và sản lượng thủy sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài huyện.

14.jpg
Nhiều hộ dân ở Phú Thiện còn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn thu nhập cao. Ảnh: Đinh Yến

Cũng theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Thiện, toàn huyện hiện có trên 200 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích mặt nước trên 340 ha. Các loại thủy sản được người dân nuôi phổ biến là cá trắm, cá chép, cá rô phi và tôm càng xanh. Nhiều hộ còn đầu tư nuôi các giống cá đặc sản như cá lăng, trắm đen mang lại giá trị kinh tế cao.

“Việc phát triển nuôi trồng thủy sản không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi cá đặc sản và hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm"-ông Quý thông tin thêm.

.Với hiệu quả rõ rệt, mô hình nuôi trồng thủy sản đang trở thành hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Phú Thiện, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/nong-dan-huyen-phu-thien-nang-cao-thu-nhap-nho-nuoi-trong-thuy-san-post319649.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm