Nông dân huyện Hòa Vang áp dụng máy móc hiện đại vào hoạt động sản xuất. Ảnh: BẢO LÂM |
Năm 2016, huyện Hòa Vang ban hành và triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị giai đoạn 2016-2020” và đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó, nhiều năm nay, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp là xu thế chủ yếu ở địa bàn huyện. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn huyện có 30 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng Hòa Vang.
Đóng góp vào thành công nói trên có vai trò then chốt của Hội Nông dân huyện khi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thay đổi tư duy của người nông dân, chuyển từ hoạt động sản xuất theo truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đạt nhiều kết quả tích cực. Các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái làm hạt nhân, tạo động lực trong sản xuất trên địa bàn như: Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Afarm, HTX rau củ quả Hòa Vang, HTX rau an toàn Túy Loan…
Các mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi sản phẩm OCOP tại các doanh nghiệp: Công ty TNHH Mỹ Phương Food, Công ty TNHH Peco Food... đều có lực lượng lao động đông đảo là nông dân trên địa bàn. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho thấy việc thay đổi về tư duy trong làm nông nghiệp của người nông dân hiện nay khi sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất, hoặc tham gia vào dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Anh Phạm Văn Hùng (SN 1977), chủ vườn trồng hoa treo giàn với mô hình trồng và chăm sóc theo công nghệ cao tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho biết, anh thực hiện chuyển đổi ngành nghề, từ trồng trọt thông thường sang trồng hoa treo theo công nghệ cao là do sự động viên, khích lệ từ Hội Nông dân huyện. Để thực hiện dự án này, anh được UBND huyện hỗ trợ 170 triệu đồng để xây dựng, lắp đặt nhà kính cũng như hệ thống tưới nhỏ giọt. Sau nhiều năm đầu tư, hiện tại đã thu lãi hằng tháng, mỗi tháng dự án cung ứng ra thị trường 4.000 - 5.000 giỏ hoa các loại như dừa cạn, triệu chuông, dạ anh thảo… Từ mô hình sản xuất này, đem lại cho anh Hùng và gia đình hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng/mùa vụ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung, đối với rau, hoa, bưởi da xanh thì người nông dân còn được các cấp hội mà chủ lực là Hội Nông dân huyện tuyên truyền, tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn cũng như có cơ hội để kết nối, tham gia cùng phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, qua đó tạo việc làm và có thu nhập ổn định.
Vợ chồng ông Đỗ Văn Lai (65 tuổi, sinh sống ở gần khu vực Hố Dư - Khe Voi, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) bày tỏ niềm vui khi được các cấp hội vận động, tuyên truyền tham gia vào dự án phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch ở trên địa bàn, qua nhiều năm, vợ chồng ông có nguồn thu nhập khá ổn định 7-8 triệu đồng/tháng/người nhờ bán sen, chuối, kiệu hương... cùng các sản phẩm nông nghiệp khác.
KHÁNH HÒA
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/nong-dan-voi-nong-nghiep-cong-nghe-cao-4005717/
Bình luận (0)