Lực lượng quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa. Ảnh: ĐVCC |
Bộ Công an vừa triệt phá vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Cơ quan chức năng xác định đường dây do các bị can điều hành đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai với số tiền thu lợi gần 500 tỷ đồng. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Khi thông tin về các loại sữa bột giả được công bố rộng rãi, nhiều người tiêu dùng bắt đầu kiểm tra lại sản phẩm đang sử dụng. Ông Nguyễn Sang (huyện Hòa Vang) vừa phát hiện bản thân đã sử dụng loại sữa giả trong suốt 1 tháng qua. “Sở dĩ tôi chọn loại sữa này vì được quảng cáo là sản phẩm của công ty lớn, phù hợp cho người cao tuổi, chất lượng bảo đảm và có giấy tờ kiểm định. Tôi mua hộp sữa này với giá 500.000 đồng, đến nay tôi đã dừng uống sữa này hoàn toàn. Hy vọng trong thành phần sữa không có hóa chất gì nguy hiểm. Từ nay tôi sẽ chỉ lựa chọn các thương hiệu lớn, có uy tín để bảo đảm an toàn sức khỏe”, ông Sang nói.
Trong khi đó, trên các hội nhóm mạng xã hội, chủ đề về sữa thu hút nhiều phụ huynh nuôi con bằng sữa công thức thảo luận. Nhiều người bày tỏ hoang mang và không biết sử dụng loại nào để bảo đảm chất lượng. Theo nhiều người mẹ nuôi con nhỏ, thị trường sữa hiện nay có hàng trăm nhãn hiệu, các loại sữa lại có tên gọi cũng khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Hải Châu) cho biết trước giờ đều sử dụng sữa công thức cho em bé từ khi mới sinh. “Mỗi lần mua sữa cho con, tôi đều đọc và tìm hiểu thông tin, xem kỹ mã vạch, tem chống giả. Tuy nhiên, sữa thật và giả lẫn lộn như thế này thì người tiêu dùng cẩn thận đến mấy cũng rất dễ mua phải hàng giả, bởi rất khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”, chị Hoa chia sẻ.
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sở dĩ số lượng lớn sản phẩm hàng giả “tuồn” ra thị trường trong thời gian dài mà không bị phát hiện là vì có sự đối phó của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ đúng quy định pháp luật hiện hành để che đậy các hành vi vi phạm; của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm và sản phẩm chưa có phản ánh vi phạm từ người tiêu dùng để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.
Các doanh nghiệp này chọn kinh doanh sản phẩm không phân phối thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát mà chủ yếu được tiêu thụ bằng hình thức tiếp thị và trực tiếp bán tới tay người tiêu dùng thông qua việc trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thuê một số người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người mẫu có sức ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng mạng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Để chủ động ngăn ngừa tình trạng sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngày 17-4 Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng (Sở Công Thương) ban hành công văn yêu cầu các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình kinh doanh các sản phẩm sữa trên địa bàn do đội quản lý, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tiến hành kiểm tra đột xuất khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh sữa giả, sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sữa nhập lậu… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố (Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm...) kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc kiểm tra các hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa trên các kênh bán lẻ, nhỏ lẻ, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, đại lý trên địa bàn thành phố, các kênh bán hàng qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok...
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát lồng ghép công tác tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh, người dân trên địa bàn thành phố không tham gia các hoạt động mua, bán các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sữa nhập lậu. Cũng theo các ngành chức năng khuyến cáo, để tránh mua phải sữa giả, người dân nên chọn mua sữa tại các địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn chứng từ đầy đủ; kiểm tra nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 40/CĐ-TTG ngày 17-4-2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. |
TRẦN TRÚC
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/quan-ly-chat-che-thi-truong-sua-4005715/
Bình luận (0)