Người được nhắc đến chính là Đại tá, nữ tình báo Đinh Thị Vân.
Bà Đinh Thị Vân (1916-1995), tên thật là Đinh Thị Mậu, sinh ra tại làng Đông An, tổng Cát Xuyên, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, nay là làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Bố mất sớm, bà cùng anh em được ông nội Đinh Mẫn Cấp nuôi dưỡng và dạy dỗ.
Năm 17 tuổi, nhờ sự dẫn dắt của hai người anh cùng cha khác mẹ là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự - những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, bà Vân bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.
Được cấp trên giao nhiệm vụ liên lạc và cất giữ tài liệu bí mật, bà tích cực tổ chức nhóm "Ái hữu tương tế" nhằm bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Bà lấy tên Đinh Thị Vân sau khi kết hôn với một người cùng quê trong thời gian làm nhiệm vụ.

Bà Đinh Thị Vân. (Ảnh tư liệu)
Tháng 8/1945, bà đảm nhận vai trò là cán bộ Việt Minh huyện Xuân Trường, tích cực vận động dân chúng tham gia tổng khởi nghĩa ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 30/6/1946.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà Đinh Thị Vân xây dựng mạng lưới tình báo tinh nhuệ mang lại nhiều chiến công ngoài sức tưởng tượng cho quân ta như điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 - 1960.
Thời điểm này, quân ta mở đường Trường Sơn vào Nam, nên cần hiểu rõ về sự bố phòng của quân đội Sài Gòn ở nam vĩ tuyến 17 đồng thời tìm hiểu xem đối phương đã biết những gì về việc quân ta xuất hiện ở Hạ Lào. Trọng trách này được giao cho đồng chí Đinh Thị Vân.
Một số chiến công tiêu biểu mà nhà tình báo Đinh Thị Vân và mạng lưới đã hoàn thành xuất sắc, có thể kể đến như: cung cấp thông tin kịp thời về việc Mỹ chuẩn bị đổ quân vào Nam Việt Nam sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại; nắm trước kế hoạch cuộc hành quân Junction City, giúp quân ta chủ động đối phó và làm thất bại âm mưu của địch. Ngoài ra, bà còn có công dìu dắt nhiều thế hệ tình báo viên và hỗ trợ lực lượng không quân Việt Nam.
Nhờ những chiến công vang dội, bà Đinh Thị Vân được Nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều các danh hiệu: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng...
Năm 1995, bà qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi. Để ghi nhận công lao của nữ tình báo huyền thoại, tên bà được đặt cho một con đường tại phường Hạ Long, thành phố Nam Định và một con đường khác tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/nu-tinh-bao-noi-tieng-viet-nam-voi-loat-chien-cong-lung-lay-ar938842.html
Bình luận (0)