Căn cứ chương trình công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, định kỳ vào quý IV hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch, họp thống nhất chương trình giám sát và phản biện của năm sau. Trên cơ sở thông báo đồng ý chương trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Thường trực Tỉnh ủy và sự hiệp thương giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai chương trình giám sát, phản biện trong năm.
Đồng chí Lê Minh Tiến, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Những năm gần đây, Ủy ban MTTQ các cấp liên tục đổi mới nội dung, phương thức phản biện xã hội, chủ động, kịp thời phản biện từ sớm, từ cơ sở; nội dung phản biện xã hội bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; hình thức phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế và có kết quả cụ thể.
Nội dung phản biện, góp ý mở rộng từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế của tỉnh đến quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương đề nghị, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Để đảm bảo công tác phản biện hiệu quả, tránh trùng lặp về địa bàn và đối tượng của các đoàn giám sát, MTTQ tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên; tạo cơ chế huy động sự tham gia của thành viên các Hội đồng tư vấn/Ban tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học, những người có kinh nghiệm thực tiễn và sự tham gia của nhân dân. Hiện, Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có 14 thành viên, đều là các đồng chí có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều lĩnh vực”.
Năm 2024, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức góp ý vào gần 330 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo các chương trình đề án, văn bản của cấp ủy, chính quyền về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tập hợp, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, ý kiến từ các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận, đề xuất biện pháp sát thực giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân.
9/9 huyện, thành phố tổ chức ít nhất mỗi huyện, thành phố 1 hội nghị phản biện vào dự thảo các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Từ đầu năm đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị phản biện về 3 dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, dự án nhà ở xã hội; 1 buổi góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Trong quá trình tổ chức phản biện xã hội, các cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo giải trình tiếp thu, phản hồi các ý kiến phản biện xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi, phù hợp thực tiễn của địa phương.
Các kiến nghị tại hội nghị phản biện đều đảm bảo rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao; bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được đẩy mạnh.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức triển khai công tác phản biện xã hội đảm bảo phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Qua đó phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Thùy Linh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127013/Phat-huy-vai-tro-phan-bien-xa-hoi-cua-Mat-tran-To-quoc
Bình luận (0)