Hai công cụ AI nổi tiếng hàng đầu là ChatGPT và DeepSeek (trái) đều đến từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: AFP
Theo UNCTAD, việc phát triển AI vẫn đang tập trung chủ yếu vào các nước phát triển, trong khi có đến 118 nước không tham gia các cuộc thảo luận về quản trị AI và có thể bỏ lỡ "chuyến tàu lịch sử" này nếu không hành động kịp thời.
AI phân hóa thế giới sâu sắc
Thống kê của UNCTAD cho biết dự báo đến năm 2033, tổng giá trị thị trường AI toàn cầu sẽ đạt 4.800 tỉ USD. Con số này tương đương quy mô kinh tế hiện tại của Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) và lớn thứ ba thế giới. Điều này biến AI trở thành lực lượng không thể thiếu trong giai đoạn chuyển đổi số toàn cầu.
Dù sớm trở thành thị trường quy mô toàn cầu nhưng việc phát triển, sử dụng AI chỉ đang diễn ra ở một số quốc gia đủ điều kiện. Vỏn vẹn 100 công ty, hầu hết đến từ Mỹ và Trung Quốc, nắm giữ 40% tổng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển AI của các doanh nghiệp toàn cầu. Những công cụ AI thương mại mạnh mẽ và phổ biến nhất nhì thị trường như ChatGPT, Gemini, Perplexity, DeepSeek... đều đến từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những con số trên cho thấy sự phát triển của AI đang chỉ làm lợi cho các nước phát triển, sở hữu nền tảng hạ tầng và nhân lực tiên tiến. Những nước đang phát triển với nguồn lực hạn chế hơn hoàn toàn có thể bị "bỏ quên" trên tiến trình phát triển công nghệ và không hưởng lợi hoặc lợi rất ít từ AI. Điều này mở ra viễn cảnh các nước giàu - nghèo bị phân hóa ngày một sâu sắc.
Đáng chú ý, sự tụt lại của nhiều nước trên sân chơi AI không chỉ do nguyên nhân khách quan. Báo cáo của UNCTAD chỉ ra dù AI đã trở thành động lực phát triển chiến lược của nhiều nước nhưng vẫn có đến 1/3 quốc gia đang phát triển chưa có chiến lược riêng cho công nghệ này. Có đến 118 quốc gia, hầu hết đến từ nhóm nước Nam Bán cầu (Global South), vắng mặt khỏi những cuộc trao đổi lớn về quản trị AI.
Sự vắng mặt trên làm suy giảm nghiêm trọng mức độ đại diện của nhóm nước này trong các cuộc thảo luận toàn cầu về khung đạo đức và quy định giám sát AI. UNCTAD khẳng định cần hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn để đảm bảo AI phát triển phục vụ công bằng, minh bạch và lợi ích của toàn thế giới chứ không chỉ vài nước phát triển.
Có chiến lược AI riêng để không tụt hậu
Theo UNCTAD, để vượt qua trở ngại trên các nước cần có chiến lược AI riêng, phù hợp với những ưu tiên của mình. Điểm chung của các chiến lược này nên là tập trung vào phát triển hạ tầng, nhân tài và hợp tác công - tư.
"AI đang định hình lại các cơ hội kinh tế, đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và các dịch vụ dựa trên tri thức vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia. Để xây dựng chính sách AI hiệu quả, các quốc gia cần xem xét ba yếu tố then chốt: hạ tầng, dữ liệu và nhân tài.
Việc định vị chiến lược trong ba lĩnh vực này sẽ quyết định khả năng ứng dụng AI một cách hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước và định hướng sự phát triển AI phù hợp với nhu cầu kinh tế - xã hội của từng quốc gia", diễn đàn này khẳng định.
Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cho rằng cần xem việc theo đuổi AI không đơn thuần là hành trình khoa học công nghệ. Thay vào đó, các nước cần đặt đây là chiến lược bắt buộc chi phối đổi mới sáng tạo và tăng trưởng trong tất cả các ngành kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội và tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Chiến lược quốc gia về AI là công cụ cực kỳ quan trọng vì nó cho thấy cam kết lâu dài của nước đó với tiến trình AI.
Tuy nhiên nhiều quốc gia nhóm Nam Bán cầu đang thiếu cả ba yếu tố then chốt nêu trên. Hạ tầng năng lượng nhiều nước chưa theo kịp nhu cầu khổng lồ của các trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Dữ liệu chất lượng cao và nguồn nhân lực có kỹ năng về AI tại các quốc gia này cũng hạn chế, cản trở việc tận dụng những lợi ích mà AI mang lại.
WEF cho rằng thay vì phát triển AI tổng quát, các quốc gia này cần xác định rõ những lĩnh vực cụ thể cần AI mang đến chuyển biến lớn để tập trung đầu tư nguồn lực. Những sáng kiến chính sách nhấn mạnh trọng tâm vào một số đối tượng cụ thể có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết hiệu quả các thách thức.
Ngoài ra, các nước đang phát triển nên cân nhắc xây dựng chiến lược trọng tâm xây dựng hạ tầng số và hạ tầng AI để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những khoản đầu tư này có thể giúp nước sở tại tăng cường tiếp cận công nghệ điện tái tạo, Internet tốc độ cao hoặc hạ tầng số công cộng tiên tiến. Khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc thu hút các khoản đầu tư này.
AI tác động 40% lao động toàn cầu
Không chỉ tương quan giữa các quốc gia, khả năng tiếp cận AI không đồng đều cũng ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân. Số liệu của UNCTAD cho biết có đến 40% người lao động toàn cầu có thể bị tác động bởi AI theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Những lao động thành thạo AI có thể mang lại hiệu suất lao động cao hơn, đón nhận cơ hội việc làm mới hoặc được ưu tiên hơn phần còn lại. Tuy nhiên điều này cũng gia tăng bất bình đẳng và làm suy giảm lợi thế cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ ở các nền kinh tế đang phát triển.
Nguồn: https://tuoitre.vn/phat-trien-ai-va-khoang-cach-giau-ngheo-20250405020302977.htm
Bình luận (0)