Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì làm việc về 2 dự thảo Luật

Chiều 24.4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân24/04/2025

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp ngành nghề Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, các nội dung về quy định công bố hợp chuẩn, hợp quy, phân nhóm sản phẩm hàng hóa… trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhận được rất nhiều sự quan tâm và có tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Dù các ý kiến, quan điểm, góc nhìn còn khác nhau, nhưng các bên liên quan đều thể hiện tinh thần cầu thị, trao đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra hai dự án Luật cần rà soát, bảo đảm bám sát quan điểm xây dựng Luật, cụ thể hóa các quy định để hai bên thống nhất, đồng thuận về mục tiêu chung và quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, sự an tâm của xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp, chi phí xã hội, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

“Với phương thức tiếp cận này, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, không đơn thuần là công cụ pháp lý mà hơn hết là khung khổ bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh của thị trường, nâng cao chất lượng, cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ lợi ích hợp pháp, an toàn và sức khoẻ của người tiêu dùng, gìn giữ môi trường, vì cộng đồng xã hội”.

Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, điều khó ở đây là cần xác định được điểm cân bằng giữa quản lý chặt chẽ với “trao quyền” theo quy trình mở, thông thoáng dựa trên sự tự giác, ý thức cam kết chất lượng, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp. Cần xác định được điểm hài hòa giữa quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từng khâu với chi phí thực thi của cơ quan quản lý chuyên ngành, chi phí cơ hội của doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, kiểm soát là trách nhiệm không thể buông lơi. Một khi tiêu chuẩn bị buông lỏng, lợi ích cá nhân có thể lấn át lợi ích cộng đồng. Khi quy chuẩn không được cập nhật, các nhóm lợi ích có thể thao túng thị trường, làm méo mó cạnh tranh. Khi luật pháp không kiểm soát được chất lượng hàng hóa thì tính mạng con người, sức khoẻ cộng đồng, tài nguyên và môi trường sẽ phải trả giá. “Vấn đề là tư duy kiểm soát như thế nào trong thời đại mới, thời đại của trí thông minh nhân tạo và sự thay đổi không ngừng về tư duy quản trị, thay cho tư duy quản lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Thực tế cho thấy, sự cân bằng giữa kiến tạo không gian phát triển và kiểm soát rủi ro ngày càng trở nên mong manh. Nếu luật pháp không đủ sức định hình đường biên, không ít doanh nghiệp sẽ “chạy nhanh” bằng cách đi tắt. Nhưng đi tắt quá rủi ro, có ngày sẽ phải trả giá bằng chính niềm tin, uy tín với thị trường, bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp. Ngược lại, có thể làm phát sinh kinh phí và thời gian của doanh nghiệp, đi ngược với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Bởi suy cho cùng, thời gian cũng là cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Nêu vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời nêu rõ, quá trình sửa đổi hai Luật cần nhất quán quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tư duy pháp luật cần tham gia kiến tạo không gian phát triển. Theo đó, quản lý, kiểm soát quy chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần tư duy và cách thức tiếp cận mới.

Có ý kiến đề xuất cần “trao quyền có điều kiện” cho các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xã hội nghề nghiệp - những chủ thể có hiểu biết sâu, có động lực giữ gìn uy tín ngành hàng và có khả năng tham gia cung ứng dịch vụ công một cách minh bạch, hiệu quả. Việc này không chỉ giúp phân bổ nguồn lực kiểm tra một cách thông minh hơn, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp minh bạch, biết kiểm soát rủi ro, có thể tự định vị thương hiệu của mình trên thị trường. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đề xuất này có thể hiệu quả ở các xã hội có trình độ phát triển đồng đều, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp ít nhiều đã đi vào nề nếp, có uy tín và trách nhiệm xã hội cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, hai luật sửa đổi không chỉ kiểm soát rủi ro mà còn phải mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp tiên phong xây dựng thương hiệu gắn với bộ ba tiêu chuẩn đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Cộng đồng Doanh nghiệp cần “sân chơi”, “luật chơi” thuận lợi, công bằng, lành mạnh. Quy định, quy chuẩn, trước hết và trên hết, cần được xem là “mực thước” giúp bảo vệ và tạo dựng uy tín của chính doanh nghiệp, nhắc nhở doanh nghiệp về những giới hạn, khuôn khổ tuyệt đối không được phép vượt qua. Quy định, quy chuẩn, nếu được xây dựng và vận hành thông minh, sẽ không phải là rào cản, mà là giá đỡ cho thương hiệu doanh nghiệp.

"Một thương hiệu mạnh trong tương lai không chỉ đến từ giá cả và tiếp thị mà phải đến từ khả năng chủ động kiểm soát chất lượng, rủi ro và thể hiện trách nhiệm xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã trao đổi về những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến hai dự thảo Luật.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, 2 cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tiếp thu, hoàn thiện 2 dự thảo Luật trình Quốc hội.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-le-minh-hoan-chu-tri-lam-viec-ve-2-du-thao-luat-post411322.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm