Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, một trong những điểm mới của quy chế tuyển sinh năm nay là các trường phải công bố quy tắc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, tổ hợp.
Về việc quy đổi điểm tương đương, ông Điền cho rằng, “không đến nỗi quá rắc rối, khó hiểu như nhiều người đang tưởng tượng”. Tuy nhiên, ông lưu ý đến khái niệm “điểm xét”, vốn không phải điểm thi mà là quá trình tính toán điểm thi thành điểm xét. Mỗi phương thức sẽ ra một điểm xét khác nhau.
Chẳng hạn, có trường xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, môn chính nhân hệ số 2 hoặc 3, thêm điểm thưởng, điểm ưu tiên theo khu vực/đối tượng... được tính toán thành điểm xét theo thang 40, thậm chí 50.
Hay một số trường sử dụng nhiều đầu điểm như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực... cho một phương thức xét tuyển kết hợp, lúc này công thức tính điểm xét sẽ phức tạp hơn.
Sau đó, việc quy đổi tương đương sẽ dựa theo điểm xét.

Ông Điền cho hay, Đại học Bách khoa Hà Nội kể từ năm 2022 vẫn giữ ổn định theo 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển tài năng, Xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy và Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến quy đổi tương đương điểm xét của phương thức Xét tuyển tài năng, Xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy về điểm xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT thông qua công thức: y = ax + b.
Ví dụ, y là điểm quy đổi tương đương từ điểm xét kết quả thi đánh giá tư duy (thang 100); x là điểm xét theo điểm thi THPT (thang 30); a, b là các hệ số quy đổi.
Các hệ số a, b có giá trị hằng số trong một khoảng điểm xét do trường quy định. Thí sinh có điểm xét nằm trong khoảng nào thì sẽ tra cứu được hệ số a, b cụ thể để tính quy đổi. Giá trị hệ số a, b và số khoảng điểm trong một dải điểm được các trường tính toán và công bố (dạng bảng số) và thường dao động từ 3-4 khoảng nếu căn cứ theo phổ điểm thi các năm trước.
Theo ông Điền, việc xác định giá trị các hệ số quy đổi và chia khoảng phải căn cứ vào một số yếu tố như: Phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, phương thức ưu tiên của trường (nguồn tuyển đầu dồi dào), chất lượng tuyển của phương thức áp dụng (kết quả học tập đại học của sinh viên đã tuyển một số năm).
“Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ chia thành 4 khoảng điểm. Hệ số a, b sẽ được xác định khi chính thức có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025”, ông Điền nói.
Ông Điền cho biết, vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành xử lý dữ liệu kết quả học tập của sinh viên 4 khóa đã trúng tuyển theo từng phương thức tại trường từ năm 2021 - 2024. Kết quả đánh giá dựa trên điểm CPA (điểm trung bình tích lũy của sinh viên từ khi nhập trường đến thời điểm khảo sát).
Kết quả cho thấy, với khóa sinh viên K67 (tuyển sinh năm 2022), CPA của sinh viên trúng tuyển theo phương thức Xét tuyển tài năng trung bình là 2,77/4; phương thức Xét tuyển điểm thi đánh giá tư duy là 2,59/4 và phương thức Xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 2,27/4.
Đối với K68 (tuyển sinh năm 2023), kết quả lần lượt là 2,73/4; 2,49/4 và 2,22/4.
Đối với K69 (tuyển sinh năm 2024), vừa trúng tuyển vào trường và hoàn thành 1 kỳ học, kết quả lần lượt là 2.59/4; 2.33/4 và 1.95/4.
“Các con số này phần nào cho thấy bức tranh chất lượng đầu vào theo các phương thức. Như vậy, các thí sinh xét tuyển tài năng hay có điểm thi đánh giá tư duy có thể lợi hơn một chút", ông Điền nói.
Tuy nhiên, ông Điền cũng cho rằng, các trường cần cân nhắc các hệ số quy đổi theo hướng công bằng nhất để mọi thí sinh đều có cơ hội trúng tuyển. Điều này tránh việc các thí sinh vùng sâu, vùng khó khăn không có cơ hội tham gia vào các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế... nhưng các trường lại quá ưu tiên, lấy hệ số quy đổi cao cho các phương thức này, từ đó giảm cơ hội trúng tuyển của các em.


Nguồn: https://vietnamnet.vn/pho-giam-doc-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-noi-ve-cong-thuc-quy-doi-diem-tuong-duong-2385767.html
Bình luận (0)