Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phụ nữ vùng cao Quảng Trị khẳng định vai trò trong nền kinh tế số

Phụ nữ vùng cao Quảng Trị khẳng định vai trò trong nền kinh tế số

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân24/04/2025

Chị Hồ Thị Xở, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn A Đăng, xã Tà Rụt, huyện vùng cao Đakrông (Quảng Trị) chia sẻ: “Mấy năm nay rồi, chị em chúng tôi không còn ngồi chờ cái nghèo đi khỏi. Muốn đổi đời, phải tự mình bước ra ánh sáng!”. Dẫn chúng tôi thăm vườn chuối đang đơm hoa, kết trái bạt ngàn ở ruộng rẫy ngay phía sau nhà, chị Xở hồ hởi kể về hành trình khởi nghiệp.

Năm 2021, chị đầu tư trồng thử nghiệm 8.000 gốc chuối lùn bản địa. Sau 1 năm cẩn thận chăm sóc, vườn chuối đã cho chị thu hoạch gần 7.000 buồng, với quả chuối đạt chất lượng cao. Chị Xở trở thành người tiên phong trồng giống chuối lùn bản địa ở vùng đất A Đăng vốn khô cằn từ đó. Không giấu nghề, chị gọi chị em trong thôn cùng làm. “Thấy mình làm được, lại có kỹ thuật hướng dẫn nên khi mời gọi, bà con mạnh dạn tham gia ngay. Họ tin vì họ thấy tận mắt”, chị cười hiền.

Phụ nữ vùng cao Quảng Trị khẳng định vai trò trong nền kinh tế số -0
Phụ nữ ở A Bung giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống.

Thành lập Tổ hợp tác (THT) chuối lùn Tà Rụt, chị Xở mạnh dạn đưa sản phẩm đi thi cấp quốc gia tại Cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”. Với 20 thành viên, mỗi năm THT thu hoạch hơn 72.000 buồng chuối, mang về doanh thu từ 3,2 đến 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, trồng được đã khó, bán được còn khó hơn. “Giá chuối trước chỉ được một nửa so với thị trường, vì không có nhãn mác, không ai biết đến”, chị Xở nhớ lại. Không chịu bó tay, chị học cách quảng bá trên mạng xã hội, liên hệ các điểm bán OCOP, rồi đưa chuối vào siêu thị Co.op Mart Đông Hà.

Bà Nguyễn Thị Ty, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông nhận xét, THT chuối lùn Tà Rụt là hình mẫu cho sự đổi mới tư duy sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào kết nối thị trường. Thành công của mô hình này đã lan tỏa tinh thần vươn lên mạnh mẽ trong cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số.

Cũng trên dải đất vùng cao này, chị em THT dệt thổ cẩm A Bung (Đakrông) đang ngày ngày dệt nên những tấm vải mang đậm hồn cốt bản làng. Với sự hỗ trợ từ Hội LHPN huyện, các thành viên không chỉ được tập huấn kỹ năng tiếp cận thị trường mà còn biết cách bán hàng qua mạng, tham gia thương mại điện tử – điều tưởng chừng xa vời nơi thôn bản. “Chúng tôi không nghĩ có ngày ngồi ở nhà mà khách ở tận thành phố cũng đặt mua vải dệt của mình”, chị Hồ Thị Phở, một thành viên của THT, chia sẻ trong niềm tự hào.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị chia sẻ, đằng sau từng quả chuối, từng tấm vải thổ cẩm là nỗ lực bền bỉ của các cấp Hội LHPN toàn tỉnh trong việc triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến cuối năm 2024, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn xây dựng tổ, nhóm sinh kế cho 145 cán bộ hội. Từ đó, lựa chọn và hỗ trợ 4 mô hình tiêu biểu tại huyện Hướng Hóa và Đakrông bao gồm Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn (thôn Phú Thành, xã Mò Ó), THT chuối lùn Tà Rụt – huyện Đakrông; THT chế biến măng xã Húc, THT đan lát thị trấn Lao Bảo – huyện Hướng Hóa. Các đơn vị này được hỗ trợ vừa về kỹ thật vừa về xây dựng thương hiệu, thiết kế bộ nhận diện, nhằm qua đó nâng tầm giá trị sản phẩm, giúp chị em vững vàng khi tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.

“Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ là xóa đói giảm nghèo. Mục tiêu lâu dài là trao quyền năng kinh tế để họ tự đứng vững trong nền kinh tế số”, bà Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh.

Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/phu-nu-vung-cao-quang-tri-khang-dinh-vai-tro-trong-nen-kinh-te-so-i766129/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm