Khi không còn phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường công lập từ mầm non đến THCS do UBND xã quản lý
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo đó Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra phương án UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường công lập từ mầm non, tiểu học, THCS. Trên cơ sở đó, phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể đối với UBND cấp xã và quản lý cấp ngành là Sở GD-ĐT để lấy ý kiến chính thức trước khi gửi Sở Nội vụ để cơ quan này trình đề án tổng thể với UBND TP.HCM, theo quy định.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tổng số trường công lập từ mầm non đến THCS là khoảng 1.255 trường.
Khi không còn phòng GD-ĐT, chính quyền cấp xã quản lý các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập theo các nội dung:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển giáo dục. Bảo đảm đủ các điều kiện về tài chính, tài sản, cơ sở vật chất và quỹ đất theo quy định.
- Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền quản lý.
- Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Đầu tư hoặc tham gia đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học, THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp học cao nhất là THCS theo quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng trường chuẩn quốc gia, kế hoạch sử dụng đất dành cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
- Tăng cường chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục trên địa bàn.
- Xây dựng dự toán ngân sách giáo dục, quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách đối với các cơ sở giáo dục khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; duyệt quyết toán, thông báo quyết toán năm và tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách của các cơ sở giáo dục theo thẩm quyền được giao; trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định.
- Trực tiếp quản lý về tổ chức, nhân sự của trung tâm học tập cộng đồng (chỉ đạo thực hiện việc sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ của trung tâm học tập cộng đồng thuộc phạm vi quản lý theo quy định).
- Cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập theo quy định; kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh đầu cấp thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, xây dựng trường chuẩn quốc gia và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn…
Công tác tuyển giáo viên sẽ do Sở GD-ĐT chỉ trì hoặc phân cấp
ẢNH: P.V.T
Sở GD-ĐT chủ trì hoặc phân cấp tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS công lập
Cũng trong phương án sắp xếp này, Sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế công chức của cơ quan quản lý giáo dục; Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, tổng số lượng người làm việc trong các trường công lập theo quy định của pháp luật.
Chủ trì hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền, quy định; chủ trì triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, Sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các trường công lập...
Ngày 24.4, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT cùng các sở, ngành về việc sắp xếp trường công lập trực thuộc UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT và các địa phương gửi phương án sắp xếp các trường công lập về Sở Nội vụ và Sở Nội vụ trình UBND TP.HCM xem xét đề án tổng thể chậm nhất ngày 28.4.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phuong-an-sap-xep-1255-truong-cong-lap-cua-tphcm-khi-khong-con-cap-quan-huyen-185250426124941758.htm
Bình luận (0)