Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quan hệ hợp tác, hữu nghị của Việt Nam với các nước láng giềng

Trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, các nước láng giềng luôn giữ vị trí trọng yếu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế19/07/2025

Sáng ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo các nước dự các Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26. (Ảnh: Anh Sơn)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 tại Indonesia, tháng 9/2023. (Ảnh: Anh Sơn)

Láng giềng gần gũi

Việt Nam nằm tại vị trí trung tâm giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á-một không gian láng giềng vừa gần gũi về địa lý, vừa sâu sắc về lịch sử, văn hóa, an ninh và lợi ích phát triển. Duy trì quan hệ hài hòa và ổn định với các nước láng giềng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh, thúc đẩy tăng trưởng và khẳng định vị thế quốc gia trong thời đại hội nhập chiến lược.

Gần 80 năm kể từ ngày lập nước, Việt Nam đã chủ động kiến tạo và nâng tầm các khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các nước láng giềng, phản ánh tầm nhìn chiến lược và khả năng thích ứng linh hoạt trước chuyển động địa – chính trị khu vực.

Với Trung Quốc, với sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008) và đã ra tuyên bố chung xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” (2023). Giao lưu cấp cao thường xuyên, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục được củng cố, tạo nền tảng đối thoại, xử lý khác biệt.

Với Lào và Campuchia, Việt Nam duy trì mối quan hệ đặc biệt hiếm có trên thế giới, được duy trì qua hợp tác song phương và ba bên trên mọi tầng nấc. Với các nước Đông Nam Á, Việt Nam từng bước xây dựng mạng lưới Đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan; Đối tác chiến lược với Philippines; Đối tác toàn diện với Brunei và Myanmar. Những khuôn khổ này không chỉ tăng chiều sâu hợp tác trên các lĩnh vực, mà còn góp phần kiến tạo môi trường ổn định khu vực, nơi Việt Nam đóng vai trò chủ động, kiến tạo và kết nối.

Về kinh tế, hợp tác với Trung Quốc và ASEAN mang lại nguồn lực thiết yếu: thương mại, đầu tư, công nghệ và hạ tầng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 205,2 tỷ USD (2024), trong khi ASEAN là cửa ngõ hội nhập kinh tế khu vực, với tổng đầu tư 11 tháng đầu năm 2024 lên tới 9,52 tỷ USD. Việt Nam đã chủ động tham gia sâu vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy thương mại nội khối, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số và chuỗi cung ứng bền vững.

Về quốc phòng - an ninh, Việt Nam duy trì các cơ chế đối thoại và hợp tác an ninh - quốc phòng với các nước láng giềng. Với Trung Quốc, hợp tác biên giới, tuần tra chung, chia sẻ thông tin và gìn giữ hòa bình được duy trì thường xuyên, góp phần kiểm soát rủi ro và xây dựng lòng tin chiến lược. Với các nước Đông Nam Á, Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác an ninh biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Vai trò tích cực của Việt Nam tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ADMM và ADMM+ khẳng định vị thế là quốc gia chủ động, trách nhiệm trong cấu trúc an ninh khu vực.

Về văn hóa - xã hội, Việt Nam thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, bảo tồn di sản, phát triển du lịch và kết nối cộng đồng khu vực. Những hoạt động này không chỉ tăng cường hiểu biết, mà còn tạo ra chất kết dính bền vững giữa các quốc gia.

Mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và đối tác đã đạt nhiều thành tựu, song vẫn tồn tại không ít hạn chế. Sự chênh lệch về trình độ phát triển, quy mô kinh tế và năng lực cạnh tranh đã tạo ra những khó khăn trong việc tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác và hội nhập. Việc triển khai các thỏa thuận đôi khi còn thiếu đồng bộ, trong khi các rào cản về thể chế, pháp luật và năng lực quản trị vẫn là trở ngại lớn cho việc thực hiện cam kết quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Quan hệ an ninh - quốc phòng vẫn chịu ảnh hưởng bởi những khác biệt về lợi ích, đặc biệt là các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Sự thiếu đồng thuận nội khối ASEAN về các vấn đề an ninh khu vực làm giảm hiệu quả hợp tác và khả năng ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống.

Những thách thức này vừa đặt ra yêu cầu phải kiên định nguyên tắc, vừa là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị chiến lược và tăng cường bản lĩnh đối ngoại trong một thế giới đầy bất định.

Bền chặt hơn nữa

Với tầm quan trọng chiến lược, việc tăng cường quan hệ hợp tác, đối phó với những hạn chế là cần thiết. Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trên các lĩnh vực then chốt:

Thứ nhất, việc tăng cường đối thoại chính trị - ngoại giao đóng vai trò nền tảng nhằm xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau và kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Việt Nam cần duy trì các chuyến thăm, cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược, cũng như các kênh trao đổi với các nước láng giềng để củng cố quan hệ song phương và đa phương.

Thứ hai, cần thúc đẩy liên kết kinh tế - hạ tầng - thương mại thông qua việc phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và tăng cường hợp tác đầu tư. Những giải pháp này không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế vùng biên mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy giao lưu và gắn kết cộng đồng hai bên biên giới.

Thứ ba, hợp tác an ninh bao gồm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, buôn người, an ninh mạng, phòng chống dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng trong chia sẻ thông tin, tổ chức tuần tra chung, diễn tập ứng phó thảm họa và xây dựng các cơ chế hợp tác hiệu quả để xử lý các thách thức chung.

Thứ tư, Việt Nam nên mở rộng các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giao lưu giữa các địa phương có chung đường biên giới, qua đó tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa nhân dân các nước.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác qua các cơ chế đa phương như ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), giúp Việt Nam và các nước láng giềng tận dụng tốt hơn nguồn lực khu vực, phối hợp hành động hiệu quả trong giải quyết các vấn đề chung, đồng thời nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025: Những con số 'biết nói' và cuộc hội ngộ cùng chí hướng
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác với các nước láng giềng và trong khu vực (Ảnh: Tuấn Anh).

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng cần đối phó với những hạn chế, tồn tại. Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực tiễn và lâu dài trên nhiều lĩnh vực

Thứ nhất, ta cần chủ động chủ động ứng phó với bất đồng lãnh thổ, lãnh hải và các tranh chấp lịch sử. Việt Nam cần tiếp tục kiên trì nguyên tắc giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, tăng cường đối thoại, thúc đẩy cơ chế tham vấn, hợp tác cùng phát triển ở các khu vực tranh chấp, hạn chế tối đa nguy cơ xung đột và leo thang căng thẳng.

Thứ hai, Việt Nam cần chủ động mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với nhiều đối tác khác ngoài khu vực, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt, bền vững.

Thứ ba, tăng cường quản trị biên giới, kiểm soát di cư và an ninh xuyên biên giới. Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng trong tuần tra chung, chia sẻ thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, kiểm soát dịch bệnh và quản lý di cư hợp pháp.

Thứ tư, cần xây dựng lòng tin chiến lược và ngăn ngừa hiểu lầm thông qua duy trì đối thoại thường xuyên, minh bạch thông tin, tăng cường giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục, văn hóa. Việt Nam nên chủ động thúc đẩy các chương trình giao lưu, hợp tác giữa các địa phương biên giới, tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kịp thời xử lý các vấn đề nhạy cảm và ngăn ngừa nguy cơ hiểu lầm, xung đột không đáng có.

Những trụ cột chiến lược

Quan hệ với các nước láng giềng luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là đối tác hàng đầu trong hợp tác phát triển, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và tạo động lực cho hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào khu vực cũng như thế giới.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong hợp tác với các nước láng giềng trên tất cả các lĩnh vực góp phần nâng cao vị thế quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, vần tồn tại không ít hạn chế do sự khác biệt về lợi ích, bất đồng về lãnh thổ, chênh lệch trình độ phát triển và những thách thức an ninh phi truyền thống, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, linh hoạt trong ứng phó.

Để củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đối thoại chính trị - ngoại giao, thúc đẩy liên kết kinh tế và hợp tác đa phương, đồng thời xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam phá huy vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong bối cảnh khu vực và thế giới nhiều biến động, làm nền tảng tốt để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.


*Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao.

Nguồn: https://baoquocte.vn/quan-he-hop-tac-huu-nghi-cua-viet-nam-voi-cac-nuoc-lang-gieng-321554.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm