Tại cuộc họp, các sở, ngành đã bám sát vào các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 34; từ đó, thảo luận các giải pháp quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó chủ động đổi mới cách thức nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của tỉnh; tăng cường tuyên truyền về du lịch Quảng Ninh trên tất cả các hạ tầng truyền thông; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền về các nội dung, sự kiện văn hóa - du lịch nổi bật diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có hướng tới mục tiêu tăng mức chi tiêu của du khách, gia tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển các hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch; các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao và phát triển các sân golf theo quy hoạch; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô. Tăng cường khả năng kết nối và chất lượng dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các trung tâm đầu mối đón khách và các điểm đến du lịch.
Đồng thời, tiếp tục tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch; tăng cường kết nối, phát triển các chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến du lịch bằng đường biển; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với phát triển kinh tế di sản, nâng tầm du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch bốn mùa.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện tốt các nội dung trong Công điện số 34 của Thủ tướng Chính phủ, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể cho các nội dung trong Công điện. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tổng chỉnh trang môi trường kinh doanh du lịch, tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh cho du khách. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá, chống đeo bám, lừa đảo du khách; thiết lập đường dây tiếp nhận phản ánh du khách bằng đa ngôn ngữ; kiên quyết xử lý nghiêm trang web lừa đảo du lịch, xe dù, taxi dù, các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, yêu cầu dừng hoạt động đối với các sơ sở kinh doanh khi có vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, chỉnh trang các cảng bến, nâng cấp sửa chữa các bến cảng, bến thủy ở khu vực các xã đảo; thực hiện hoàn thiện hạ tầng biển báo, bến cảng trên Vịnh Hạ Long, nạo vét khu cầu cảng, khu neo đậu tàu…
Đồng chí Phó Chủ tịch cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị phải nhanh chóng phát triển và đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch mới. Cụ thể, sớm hoàn thiện các tuyến, điểm du lịch trên Vịnh Bái Tử Long; thực hiện thông tuyến du lịch từ Vịnh Hạ Long sang Vịnh Lan Hạ; phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long như: Tàu nhà hàng trên vịnh, thực hiện tuyến tham quan Hop on, Hop off ven bờ Vịnh Hạ Long; nghiên cứu các tuyến du lịch cửa khẩu. Đồng thời, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch như: Bán vé du lịch trên Vịnh Hạ Long, thực hiện các link tích hợp giới thiệu du lịch Quảng Ninh, quản lý tàu thuyền; ứng dụng chuyển đổi số ở Bảo tàng Quảng Ninh; phủ sóng mạng wifi miễn phí ở các khu, điểm du lịch. Đặc biệt, cần sớm định vị giá trị Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá thông qua hãng phim, ban nhạc…
Nguồn: https://baoquangninh.vn/x-3353713.html
Bình luận (0)