Giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung trọng tâm của dự án Luật này.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là yếu tố then chốt để xây dựng Quốc hội hiện đại, dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp (Ảnh: Quốc hội).
Đề cập về sự cần thiết của việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong hơn 10 năm qua, Luật KH&CN năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.
Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và được minh chứng qua nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN năm 2013 cho thấy, pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (Ảnh: Quốc hội).
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 03/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 (đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cụ thể:
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST.
Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay.
Quy định rõ tiêu chí nhân tài
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng luật; đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Ông Huy cũng đề nghị luật cần thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, "chủ thuyết" phát triển trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp.
Hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quốc hội).
Về tổ chức KH,CN&ĐMST, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc không tiếp tục quy định "viện hàn lâm" là một hình thức tổ chức KH,CN; nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xây dựng và thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu liên ngành, tích hợp KHXH&NV với khoa học tự nhiên và kỹ thuật vì hiện nay đã trở thành động lực trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.
Ủy ban đề nghị cần làm rõ vị trí pháp lý của cơ sở giáo dục đại học với tư cách tổ chức KH&CN, phân biệt rõ với các tổ chức KH&CN trực thuộc, bảo đảm thống nhất với Luật Giáo dục đại học.
Về phát triển nhân lực, nhân tài KH,CN&ĐMST, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới.
Luật cần có cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST mang tầm chiến lược.
Ủy ban cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Cần có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/quy-dinh-ro-tieu-chi-nhan-tai-co-co-che-luan-chuyen-nha-khoa-hoc-20250506142651761.htm
Bình luận (0)