Tháp đôi Liễu Cốc trong đợt khai quật, khảo cổ lần đầu

Tháp đôi Liễu Cốc nằm trên địa phận làng Liễu Cốc Thượng, thôn Bàu Tháp, nay là Tổ dân phố Xuân Tháp, phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, TP. Huế).

Diện tích thăm dò, khai quật là 66m2

Theo quyết định, diện tích thăm dò, khai quật là 66m2 Cụ thể, diện tích thăm dò 6m2 (gồm 2 hố x 3m2/1 hố), diện tích khai quật 60m2 (gồm 2 hố, hố 1: 50m2 và hố 2: 10m2). Thời gian thăm dò, khai quật diễn ra từ ngày 25/4 đến 20/6 do ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì.

Trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Ngoài ra, sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Trước đó vào tháng 6/2024, cũng chính ông Nguyễn Ngọc Chất, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chủ trì việc thăm dò, khai quật di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Thời điểm đó, diện tích thăm dò 20m2 (4 hố), diện tích khai quật 60m2 (3 hố) và được thực hiện trong vòng 2 tháng. Quá trình khai quật đã cho mở rộng và nối thông các hố khai quật (H1, H2, H3) lại với nhau tạo thành 1 hố lớn (9,4  x 10,3m), bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Qua đó đã xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc đền tháp Bắc.

Từng khai quật và hé lộ nhiều thông tin mới lạ

Song song với việc làm xuất lộ quy mô kết cấu nền móng kiến trúc tháp Bắc và các dấu tích kiến trúc liên quan khác, trong quá trình khai quật cũng thu được một khối lượng di vật gồm hơn 4.800 tiêu bản. Trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đáng chú ý có đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm. Mặt tượng tròn, mắt nhắm hờ, sống mũi cao, môi mím, khóe môi bè rộng, rõ nét, hai tai chảy dài, tóc xoắn hình trôn ốc, niên đại thế kỷ XI - XII. Hay 1 đồng tiền tròn, lỗ tiền vuông, một mặt đúc nổi 4 chữ Nguyên Phong thông bảo, viết theo lối Hành thảo, niên đại thế kỷ XIII.

 Rất nhiều hiện vật được tìm thấy ở đợt khai quật, khảo cổ lần đầu

Với kết quả ban đầu, đoàn chuyên gia tạm xếp niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn cuối thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2, nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương.

Quá trình đó, cũng theo ông Nguyễn Ngọc Chất, đã nhận thấy có sự khác biệt về trang trí cột và trụ tường của hai tháp này. Nhiều khả năng hai tháp không cùng một niên đại xây dựng. Điều đó cần tiếp tục bổ sung tư liệu khi có điều kiện nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật.

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc khai quật di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã cho những kết quả rất quan trọng vì thế tiếp tục mở rộng khai quật với phạm vi lớn hơn, song song với đó có giải pháp cụ thể để bảo vệ di tích.

Như vậy, sau hơn 10 tháng kể từ lần thăm dò, khai quật khảo cổ đầu tiên, việc thăm dò, khai quật khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc sẽ được tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 2.

Công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm

Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng. Năm 1926, di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương thời bấy giờ. Đến năm 1994, di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia.

Theo thời gian, do không được trùng tu, tôn tạo để phát huy nên di tích đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng “phế tích”. Hiện nay, hệ thống tường bao, các kiến trúc như tháp Hoả, tháp bia, tháp Cổng hay Tiền đường/tháp Nhà dài, đường đi... không còn dấu tích trên mặt đất. Năm 2018, UBND thị xã Hương Trà đã đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, vệ sinh cảnh quan của di tích. Năm 2022, Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã Hương Trà đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP. Huế, UBND phường Hương Xuân và các đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, định vị cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích, qua đó đã vận động người dân giải quyết, quy hoạch mồ mả, tạo lối đi, đường vào di tích. Và, đến cuối năm 2023, tuyến đường bê tông từ quốc lộ 1A vào di tích cùng bãi đỗ xe đã được địa phương thi công hoàn thành.

Mặc dù với hiện trạng đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, nhưng so với các ngôi đền tháp Champa được biết đến từ Bắc Mỹ Sơn (Quảng Nam) trở ra, bên cạnh tháp Phú Diên, Tháp đôi Liễu Cốc là di tích có tình trạng bảo tồn tốt nhất.

NHẬT MINH

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/se-tiep-tuc-khai-quat-khao-co-di-tich-thap-doi-lieu-coc-giai-doan-2-152750.html