Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sở hữu trí tuệ: Động lực quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp âm nhạc khi không chỉ là 'vũ khí pháp lý' mà còn tạo ra động lực mới cho các nhà sáng tạo.

VietnamPlusVietnamPlus26/04/2025

Trong kỷ nguyên công nghệ số, đổi mới sáng tạo không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của một quốc gia mà còn là chìa khóa giúp các doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) khởi xướng diễn ra vào ngày 26 tháng 4 hàng năm là dịp để tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế-xã hội.

Âm nhạc, với tư cách là một ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu cũng được hưởng lợi lớn từ những tiến bộ này. Tuy nhiên, để những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc được bảo vệ và phát triển, sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Năm 2025, với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ,” các tổ chức quốc tế và quốc gia tiếp tục kêu gọi sự quan tâm và hành động đối với việc bảo vệ các tác phẩm âm nhạc và những người sáng tạo. Thông qua các hoạt động này, cộng đồng được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực sáng tạo, trong đó có âm nhạc.

Sở hữu trí tuệ - 'Vũ khí pháp lý' bảo vệ âm nhạc và người sáng tạo

Sở hữu trí tuệ không chỉ là 'vũ khí pháp lý' bảo vệ các tác phẩm âm nhạc mà còn tạo ra động lực cho các nghệ sĩ sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới. Nếu không có một hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, các tác phẩm âm nhạc dễ dàng bị sao chép, làm giả hoặc sử dụng trái phép, khiến các nghệ sĩ không nhận được sự đền bù xứng đáng cho công sức sáng tạo của mình.

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu đóng góp khoảng 2,25 nghìn tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế và sử dụng hơn 30 triệu lao động. Trong năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 29% so với năm 2017. Tổng thu nhập của các nhà sáng tạo toàn cầu đã tăng 7,6% vào năm 2023.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, kinh tế sáng tạo đang trở thành động lực tăng trưởng mới, với âm nhạc và nghệ thuật được xem là ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu.

Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc đưa tác phẩm đến công chúng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức về xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép và thu lợi bất hợp pháp từ nền tảng số. Âm nhạc là sản phẩm sáng tạo trí tuệ, vì vậy cần được bảo vệ dưới dạng quyền tác giả và quyền liên quan, giúp các nghệ sĩ yên tâm sáng tác và phát triển nghề nghiệp.

ip-day-2025.jpg
Ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay là lời nhắc nhở chúng ta suy ngẫm sâu sắc về vai trò của sở hữu trí tuệ trong thế giới tinh thần của con người.

Ông Lưu Hoàng Long nhấn mạnh rằng sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, mà còn là công cụ bảo vệ những kho tàng nghệ thuật quý giá của nhân loại. Âm nhạc, như một phần của nghệ thuật, đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tinh thần, thư giãn và giảm bớt căng thẳng trong xã hội hiện đại. Vì vậy, cần có một hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi thương mại và tinh thần của các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn, đặc biệt trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo.

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp âm nhạc

Sở hữu trí tuệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp âm nhạc. Công nghệ hiện đại đang thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ âm nhạc. Chỉ trong vài thập kỷ qua, ngành công nghiệp âm nhạc đã trải qua một cuộc cách mạng lớn với sự chuyển mình của các hình thức nghe nhạc, sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và các nền tảng phát trực tuyến. Các công nghệ này tạo ra một 'sân chơi' mới cho nghệ sĩ và mang đến cơ hội phát triển cho nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Nhờ vào AI và các công nghệ mới, nghệ sĩ có thể sáng tác, phối khí, thậm chí mô phỏng giọng hát, trong khi các nhạc cụ thông minh không chỉ nâng cao chất lượng âm thanh mà còn tạo ra trải nghiệm âm nhạc mới mẻ cho người nghe. Các sáng chế trong ngành âm nhạc, từ nhạc cụ thông minh đến công nghệ bảo vệ bản quyền, đang thay đổi cách sáng tác và thưởng thức âm nhạc. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhạc số và xu hướng phát trực tuyến giúp nhiều nghệ sĩ đạt được sự nổi tiếng toàn cầu trong thời gian ngắn.

so-huu-tri-tue1.png
Ảnh minh hoạ.

Trong bối cảnh đó, sở hữu trí tuệ đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ và doanh nghiệp trong ngành âm nhạc. Các hệ thống quản lý tác quyền và bản quyền âm nhạc giúp đảm bảo rằng nghệ sĩ nhận được thu nhập xứng đáng từ các tác phẩm của mình. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tạo ra một môi trường công bằng cho các nghệ sĩ và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ còn giúp tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp trong ngành âm nhạc. Các doanh nghiệp có thể xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu dựa trên các tài sản sở hữu trí tuệ, từ đó tăng cường sức cạnh tranh và khẳng định vị thế trong thị trường quốc tế. Trong bối cảnh kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, sở hữu trí tuệ không chỉ bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành công nghiệp âm nhạc.

Chính vì vậy, theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, việc xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh mẽ và toàn diện là điều kiện tiên quyết để ngành âm nhạc có thể phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, giúp ngành công nghiệp âm nhạc trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế sáng tạo toàn cầu..

Trân trọng và ủng hộ sáng chế trong âm nhạc chính là tôn trọng công sức và tài năng của các nghệ sĩ, nhà phát minh, đó là cách thức giúp tạo dựng một nền âm nhạc lành mạnh, sáng tạo và đầy tiềm năng phát triển trong tương lai. Sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ luôn là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ và bền vững.

so-huu-tri-tue4.png
Ảnh minh hoạ.

Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne, Hiệp ước WCT, WPPT, Marrakesh, và các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ để bắt kịp xu thế mới. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã tạo ra hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn trong việc xử lý vi phạm và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong ngành âm nhạc.

Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: "Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ luôn xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng của chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ."

Thời gian tới, ông Lưu Hoàng Long nhấn mạnh Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy giáo dục và phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ tại trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thương mại hóa tài sản trí tuệ một cách hiệu quả./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/so-huu-tri-tue-dong-luc-quan-trong-cho-su-phat-trien-nganh-cong-nghiep-am-nhac-post1035081.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm