Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Số phận bức tranh 'Nhà nho xứ Bắc' của họa sĩ Nam Sơn

Tác phẩm nổi tiếng Nhà nho xứ Bắc, hay còn gọi là Sĩ phu Bắc Hà - một trong những bức tranh quan trọng trong cuộc đời sáng tác của họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) được nhà đấu giá Christie's Hồng Kông rao bán trong cuộc đấu giá 20th Century Day Sale vừa diễn ra hôm 29.3, đăng ký dưới số 218.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên31/03/2025

VỀ BỨC TRANH NHÀ NHO XỨ BẮC

Với chất liệu sơn dầu, kích thước 50 x 40 cm, trên nền màu xanh sẫm nổi bật gương mặt quắc thước của một nhà nho yêu nước đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Đó là chân dung cụ Sỹ Đức (vừa là cậu đồng thời là thầy của Nam Sơn), với cái nhìn rắn rỏi, rực sáng nhưng đượm buồn. Ít ai biết rằng trên đầu cụ chít khăn trắng là để tang cho nước mất nhà tan.

Số phận bức tranh 'Nhà nho xứ Bắc' của họa sĩ Nam Sơn- Ảnh 1.

Bức tranh Nhà nho xứ Bắc của họa sĩ Nam Sơn

Ảnh: Tư liệu Ngô Kim Khôi

Theo lối hiện thực, chân dung Nhà nho xứ Bắc được diễn tả chính xác, mạnh dạn, chứng tỏ một tay nghề vững vàng và một năng lực nghệ thuật tiềm ẩn. Toàn thể chân dung toát ra một không khí trầm lặng, tôn kính. Thần thái trong đôi mắt bộc lộ rất nhiều điều, với ánh nhìn sống động ẩn sâu nỗi buồn thầm lặng, như muốn kể cho hậu thế những thăng trầm thời cuộc. Nét suy tư thể hiện ngay cả trên bàn tay, với những ngón tay thon dài hững hờ đặt trên cằm, móng dài cong vút theo phong tục xưa.

Trong tông màu sẫm tối, chiếc khăn xếp hình chữ nhân (人) nổi lên sắc sáng như ánh hào quang với những đường gấp của khăn và chất liệu vải được thể hiện một cách tuyệt vời. Đây là điều đáng lưu ý nhất trong bức tranh, vì nói một cách kỹ thuật, màu trắng là khó thể hiện bậc nhất, và họa sĩ đã dụng tâm rất kỹ khi đi những nét bút trình bày sớ vải rất tinh vi và công phu. Chi tiết này làm gợi nhớ đến Rembrandt qua Chân dung tự họa dưới hình ảnh tông đồ Paul, chiếc khăn đội đầu cũng đi đường nét theo sớ vải.

Đây cũng là tác phẩm khiến Victor Tardieu nể trọng tài năng của Nam Sơn và từ đó tin tưởng vào khả năng hội họa của người VN, dẫn đến quyết định ở lại Đông Dương lập trường Mỹ thuật, chứ không quay về Pháp sau khi thực hiện xong bức tranh tường, như nhật báo l'Avenir du Tonkin xác nhận sau này: "Ông Nguyễn Nam Sơn, mà mọi người ở đây đều đánh giá cao tài năng, là học trò đầu tiên của ông Tardieu. Chính vì kết quả nhanh chóng thu được của Nam Sơn mà ông Tardieu đã có ý tưởng thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, theo nghị định được ký vào ngày 27.10.1924" (số báo ra ngày 18.7.1930, trang 1).

RỒI SẼ VỀ ĐÂU?

Được biết, trong một cuộc rút thăm thừa kế, bức tranh Nhà nho xứ Bắc thuộc về ông Nguyễn An Thạch, con trai trưởng của Nam Sơn.

Theo "Biên bản cuộc họp gia đình của tám anh chị em ruột con của Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, tại số nhà 68 Nguyễn Du Hà Nội" (tài liệu lưu trữ gia đình Nam Sơn) vào ngày 19.4.1988, có xác nhận của UBND P.Nguyễn Du, TP.Hà Nội, các thừa kế hàng thứ nhất của toàn gia đình quyết định tất cả các tranh của Nam Sơn, tượng mẫu, và sách mỹ thuật giao cho con trai thứ của Nam Sơn là ông Nguyễn An Kiều bảo quản, không được bán, giữ lại để làm Bảo tàng Nam Sơn.

Sau khi ông Nguyễn An Thạch qua đời, bức tranh Nhà nho xứ Bắc được chuyển cho ông Nguyễn An Kiều bảo quản với cùng một mục đích.

Khi có thông tin về buổi đấu giá sắp diễn ra, ngày 18.3.2025, gia đình có buổi họp với các anh chị em thuộc hàng thừa kế thứ hai, và tôi (Ngô Kim Khôi, tác giả bài viết và là cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn - TN) đã đại diện gia đình viết điện thư cho Christie's (gửi cô Ziwei Yi, người chịu trách nhiệm cho cuộc đấu giá này) để phản đối việc bán bức tranh của Nam Sơn, với lời đề nghị:

"Tác phẩm nghệ thuật này là một phần di sản của gia đình chúng tôi và theo một thỏa thuận rõ ràng được ghi lại trong hồ sơ gia đình, việc bán tác phẩm này là không được phép. Thực tế, đã được quyết định rằng các tác phẩm của Nam Sơn, bao gồm bức tranh này, phải được bảo tồn với mục đích thành lập một bảo tàng dành riêng cho di sản nghệ thuật của ông. Mọi hành động thương mại liên quan đến bức tranh này sẽ vi phạm quyết định tập thể và quyền sở hữu của gia đình chúng tôi.

Do đó, chúng tôi yêu cầu quý vị ngay lập tức rút tác phẩm này khỏi bất kỳ cuộc đấu giá nào đã được lên lịch hoặc đang diễn ra và cung cấp cho chúng tôi thông tin về nguồn gốc của việc bán tác phẩm này để chúng tôi có thể điều tra về cách thức tác phẩm này được đưa ra đấu giá tại Christie's. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm hành động pháp lý, để bảo vệ cam kết gia đình và bảo vệ tính toàn vẹn của di sản Nam Sơn".

Ngày 20.3.2025, chúng tôi nhận được phản hồi từ phía Christie's: "Cảm ơn ông đã gửi điện thư. Nhóm của chúng tôi đang xem xét trường hợp này và sẽ liên lạc lại với ông sớm".

Tác phẩm Nhà nho xứ Bắc thực sự thuộc về di sản nghệ thuật của Nam Sơn, và nói rộng hơn, thuộc về di sản nghệ thuật của đất nước VN, đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là quyết định, cho việc khai mở nền mỹ thuật hiện đại VN.

Nó xứng đáng hiện diện trong Bảo tàng Nam Sơn hoặc bảo tàng quốc gia. Bước chân vào bộ sưu tập cá nhân, tác phẩm này thật sự không có ý nghĩa, lại là một bức tranh liên quan đến pháp lý tranh chấp, và nhất là diễn tả một người đàn ông đội khăn tang. Chúng tôi không biết ai là người đang bán bức tranh này. Mặc dù Nhà nho xứ Bắc đang thực hiện giao dịch đấu giá nhưng gia đình họa sĩ vẫn chưa nhận được thêm thông tin nào từ nhà đấu giá danh tiếng Christie's. Và số phận của tác phẩm Nhà nho xứ Bắc của Nam Sơn - xứng đáng được liệt kê vào "bảo vật quốc gia" - rồi sẽ đi về đâu?

Bất chấp những phản đối từ gia đình họa sĩ Nam Sơn, bức tranh Nhà nho xứ Bắc của họa sĩ Nam Sơn vẫn được nhà đấu giá Christie's đưa lên sàn và bức tranh được gõ búa ở giá 1,3 triệu đô la Hồng Kông (HKD), tức 167.960 USD, thêm thuế sẽ vào khoảng 218.350 USD, tương đương 5,5 tỉ đồng.

Số phận bức tranh 'Nhà nho xứ Bắc' của họa sĩ Nam Sơn- Ảnh 2.

Bức Ba quý cô của Nguyễn Gia Trí

Ảnh: CHRISTIE’S

Tranh Đông Dương trên các sàn đấu giá quốc tế luôn được ưa chuộng và săn lùng. Cũng trong buổi đấu giá 20th Century Day Sale của Christie's Hồng Kông vừa diễn ra hôm 29.3, bức Ba quý cô (Les trois femmes) của danh họa Nguyễn Gia Trí, vẽ năm 1934, được bán với giá lên đến 16,1 triệu HKD, tương đương 2,07 triệu USD (52,7 tỉ đồng). Trước đó, bức Ba quý cô (khổ 116,5 x 89,5 cm) được nhà Christie's định giá ban đầu từ 4 - 6 triệu HKD (500.000 USD - 770.000 USD). Đây là tác phẩm được Nguyễn Gia Trí tặng cho danh họa Lê Phổ.

Danh Nghi

Nguồn: https://thanhnien.vn/so-phan-buc-tranh-nha-nho-xu-bac-cua-hoa-si-nam-son-185250330220742813.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm