Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tái hiện lịch sử bằng nghệ thuật sơn mài

Hành trình lịch sử của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước được tái hiện dưới góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay qua nghệ thuật sơn mài.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân19/07/2025

Họa sĩ Chu Nhật Quang và cha là Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng trao đổi tại xưởng tranh sơn mài “Mùa xuân Độc lập".
Họa sĩ Chu Nhật Quang và cha là Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng trao đổi tại xưởng tranh sơn mài “Mùa xuân Độc lập".

Sau triển lãm “Dấu thiêng” bề thế trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2024, họa sĩ 9x Chu Nhật Quang lại chuẩn bị giới thiệu 20 tác phẩm sơn mài khổ lớn ở triển lãm “Mùa xuân Độc lập” nhân Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Sáng tạo trên nền tảng truyền thống

Từ nhiều tháng nay, mỗi ngày của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang ở xưởng tranh “Mùa xuân Độc lập” tại khu Ỷ La, Dương Nội (Hà Nội) thường bắt đầu bằng những buổi sớm gặp gỡ, bàn bạc triển khai công việc với các cộng sự, sau đó là khoảng thời gian dài làm việc tới đêm khuya.

Với 7 năm theo học nghệ thuật ở nước ngoài, tiếp thu tư duy hội họa phương Tây, nhưng Chu Nhật Quang lại lựa chọn sơn mài truyền thống của dân tộc.

Niềm đam mê đã lớn lên cùng năm tháng trong không gian căn hộ chật chội ở ngõ nhỏ Hà Nội của ông nội là Nghệ sĩ Nhân dân Chu Mạnh Chấn và cha là Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng, hai họa sĩ sơn mài nổi tiếng với tranh đồng quê và rối nước. Họ không chỉ dạy bảo cho Quang các kỹ thuật cơ bản của nghề mà còn là nguồn động lực truyền cảm hứng, vun đắp, bồi dưỡng cho người họa sĩ trẻ tình yêu, sự trân trọng với những giá trị văn hóa dân tộc cùng bài học lịch sử ẩn chứa trong từng di sản.

Họa sĩ 9x nhớ mãi lời một giảng viên người Australia nói với anh trước khi lên đường về nước: “Chúng tôi trang bị cho anh tư duy, kiến thức, công nghệ, những xu hướng hội họa hiện đại. Hãy đi tới tận cùng với tình yêu, khát vọng của mình và anh sẽ thành công trên con đường nghệ thuật đậm màu dân tộc”.

Thời gian về nước hơn 5 năm không phải nhiều với Quang, song anh đã kịp ghi dấu ấn đậm nét trong đời sống mỹ thuật Việt Nam.

Trên nền tảng kỹ thuật làm vóc tranh và tạo màu sơn mài truyền thống, họa sĩ 9x đã tìm tòi hướng đi mới, phát huy và nâng tầm sơn mài Việt trong sự sáng tạo không ngừng nghỉ về cách thức thể hiện. Chu Nhật Quang đã vượt qua được những giới hạn của sơn mài truyền thống để tạo ra nhiều màu thể hiện trong tranh.

Anh cũng mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu thể hiện sơn mài trên những bức vóc khổ lớn liền khối từ nguyên liệu tái chế, không phải cắt ghép như các bức vóc bằng chất liệu gỗ. Cho đến bây giờ, tranh sơn mài khổ lớn liền tấm đã trở thành một thương hiệu của Quang trong giới hội họa.

Hành trình qua những sự kiện lịch sử

Sau triển lãm “Dấu thiêng”, giới làm nghề đang háo hức chờ đón 20 bức tranh cỡ lớn, trong đó có những bức lên tới gần 20m2 ở triển lãm “Mùa xuân Độc lập” của Chu Nhật Quang.

Triển lãm sẽ diễn ra tại không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) vào giữa tháng 8 tới nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Không gian “Mùa xuân Độc lập” giống như một hành trình qua từng sự kiện tiêu biểu mà ở đó mỗi hình khối kiến trúc mang vẻ đẹp đặc trưng vùng, miền trong sự thống nhất chung của văn hóa dân tộc, được cài đặt, đan xen nhau, hòa quyện sinh động với hình ảnh con người, nhắc nhở về những sự kiện lịch sử.

Ở đó, có Quảng trường Ba Đình, có Lăng Bác, có cột cờ Lũng Cú địa đầu Tổ quốc, đường Trường Sơn rầm rập quân đi, thành cổ Quảng Trị một thời máu lửa, Bến Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Trường Sa, Hoàng Sa và Dinh Độc Lập, điểm hội quân cuối cùng của ngày Đại thắng mùa Xuân 1975...

Điểm nhấn của không gian trưng bày lần này là các tác phẩm sơn mài hai mặt “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập” có kích cỡ chiều dài gần 8m, chiều rộng gần 3m và “Bắc Nam thống nhất” dài 5m, rộng 4m, mỗi bức nặng 2 đến 3 tấn, có hai mặt theo cùng một nội dung chủ đề.

Hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, một nhân cách lớn, một danh nhân văn hóa của Việt Nam và nhân loại được thể hiện sinh động, khắc họa tầm vóc trí tuệ, sự bao dung cùng tình cảm của Người với đất nước, với nhân dân cũng như của nhân dân, bạn bè quốc tế với Bác Hồ.

Cùng với hai tác phẩm này còn có loạt tranh khổ lớn mang tên “Con đường Bác Hồ” tái hiện hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bến Nhà Rồng cho đến khi trở về địa danh Pác Bó để trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.

Nổi bật là bức chân dung sơn mài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1920 trong những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi tại Paris (Pháp) với hình ảnh phía trước là chân trời giải phóng rộng mở cho dân tộc khi Người tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng: “Cái hay và độc đáo là Quang sáng tạo tranh về đề tài lịch sử dưới con mắt cũng như cách hiểu của những người trẻ hôm nay. Tôi rất mừng vì họ đã biết cảm nhận, nghĩ về lịch sử đúng hướng và đã bắt đầu kế tiếp chúng tôi gánh trên vai trách nhiệm người nghệ sĩ với đất nước và dân tộc”.

Nguồn: https://nhandan.vn/tai-hien-lich-su-bang-nghe-thuat-son-mai-post894728.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm