Phía Bắc sông Bến Hải - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Cũng trong trạng thái suy tư ấy, tôi hay nghĩ tới bức ảnh chụp hai người lính của hai phía khoác vai nhau trong những ngày hòa bình đầu tiên sau khi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực, tháng 3/1973.
Tác giả bức ảnh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022 với chùm tác phẩm “Hai người lính” gồm 4 bức ảnh: “Tay bắt mặt mừng”, “Hai người lính”, “Cầu Quảng Trị” và “Những bàn tay lưu luyến”.
Riêng bức ảnh “Hai người lính” được tác giả chụp vào một ngày cuối tháng Ba năm 1973, tại chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, khi chứng kiến cảnh những người lính hai bên chiến tuyến ngồi lại, cùng uống nước, hút thuốc và nói với nhau những câu chuyện hằng ngày.
“Khi ấy, tôi đã thấy một thời khắc đặc biệt. Dường như, họ không còn là những đối thủ trên chiến trường nữa mà hóa thành bè bạn. Trong không khí đó, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một chiến sĩ giải phóng và đề nghị: Anh chụp cho chúng em một kiểu ảnh nhé”, nghệ sĩ nhiếp ảnh hồi tưởng. Thoáng chút ngỡ ngàng, Chu Chí Thành ngay lập tức đưa máy lên chụp.
Và bức ảnh mang tên “Hai người lính” ra đời, như một dự báo cho ngày thống nhất, toàn vẹn non sông 2 năm về sau. “Nếu không có quân phục, họ sẽ trông không khác gì những người bạn đồng trang lứa. Vào thời khắc đó, tôi đã nghĩ, hình ảnh này chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Ngày Bắc-Nam sum họp một nhà có lẽ đã rất gần rồi”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành xúc động kể lại.
Vì nhiều lý do, phải tới tận năm 2007, khi các cuộc triển lãm: “Những thời khắc không quên” tại Hà Nội và “Ký ức chiến tranh” tại T.P Hồ Chí Minh được tổ chức, “Hai người lính” mới được giới thiệu rộng rãi trước công chúng. Tới năm 2018, tác giả bức ảnh và cả hai nhân vật (chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo và người lính bên kia chiến tuyến Bùi Trọng Nghĩa) mới lần đầu tiên tái ngộ trong dịp kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris 27/1 (1973-2018).
Nhớ nhiều đến tấm ảnh của nghệ sĩ Chu Chí Thành, bởi tôi cũng trạc tuổi hai người lính trong ảnh, cũng từng có mặt ở mảnh đất Quảng Trị đau thương, từng mong đến cháy lòng những giây phút hòa bình. Hòa bình, có nghĩa là chúng tôi sẽ được về lại giảng đường, đồng ruộng, nhà máy, nhất là được về với vòng tay yêu thương của mẹ...
Về ngày thống nhất, không thể không nhớ một tấm ảnh khác, mà mỗi lần ngắm lại không khỏi nghẹn ngào, tấm ảnh “Mẹ con ngày đoàn tụ” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tử tù Lê Văn Thức đang ôm mẹ mình là bà Trần Thị Bính khi anh trở về từ địa ngục trần gian Côn Đảo tháng 5/1975.
Nhiều người cho rằng, tác phẩm xuất thần của Lâm Hồng Long có thể xem như biểu tượng thiêng liêng cho khát vọng hòa bình của đất nước, của dân tộc. Riêng tôi, tôi còn thấy một ý nghĩa sâu xa hơn, nó nói lên tình mẫu tử và cũng có thể xem là biểu tượng về sự hy sinh cao cả của các bà mẹ Việt Nam. Và cũng từ cảm nhận ấy, tôi lại nghĩ tới câu nói của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Triệu người vui thì cũng có triệu người buồn.
Cũng có thể là chưa thật xác đáng, nhưng tôi cứ nghĩ không thể phân chia ranh giới, những người vui, người buồn là “phía bên này” hay “phía bên kia”. Và cũng khó có thể nói, trong cả cộng đồng hay mỗi con người, niềm vui hay nỗi buồn là trọn vẹn. Một bà mẹ có những người con lên đường ra trận. Ngày chiến thắng, trong niềm vui chung của cả dân tộc, bà vui vì những đứa con trở về nhưng lại buồn khi một, thậm chí hai ba người trong số họ nằm lại chiến trường.
Lại có những bà mẹ có những người con cầm súng ở cả bên này lẫn bên kia. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn là lẽ đương nhiên. Chưa kể dường như tình thương yêu của mẹ bao giờ cũng nghiêng nhiều về phía những đứa con chịu thiệt thòi, thua thiệt. Đất nước Việt Nam trải qua mấy chục năm chiến tranh, có biết bao bà mẹ như thế.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi trả lời phỏng vấn báo quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.
Đã 20 năm nữa trôi qua kể từ ngày đó. Cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, với chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước... mong muốn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dần thành hiện thực. Dù niềm vui, nỗi buồn trong lòng mỗi bà mẹ không thể phai mờ, nhưng với vị thế của đất nước hôm nay, những người con của mẹ Tổ quốc Việt Nam, dù trong quá khứ ở bên này hay bên kia, dù đang ở trong nước hay nước ngoài cũng đều một lòng hướng về mục tiêu chung xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh, hùng cường.
Muốn nhắc lại những điều đó là bởi trong những ngày này, đâu đó vẫn còn tiếng nói bày tỏ sự kỳ thị, nuối tiếc một thời. Vẫn biết rằng chiến tranh là đau thương, mất mát. Nhưng cũng nên hiểu, sự hy sinh của những người lính nơi chiến trường là vô cùng to lớn, nhưng nỗi đau của những bà mẹ khi xa con, mất con mới là vô cùng. Mà về nỗi đau ấy, dù bà mẹ Hà Nội hay Sài Gòn đều giống nhau.
Người Việt ta có câu: “Con không chê cha mẹ khó...”. Đất nước chưa phải đã hết khó khăn, vất vả. Dù buồn, vui, thì hãy nhớ mình là con của Mẹ Việt Nam. Không thể quên nỗ i buồn. Nhưng hãy mở lòng để chia sẻ niềm vui, nhất là khi niềm vui đó mang lại sự sum họp, đoàn tụ của hàng chục triệu người Việt Nam đã phải xa cách do chiến tranh, mang lại nụ cười và cả giọt nước mắt cho mỗi bà mẹ. Hãy cùng chung tay để các bà mẹ Việt Nam mỗi ngày bớt đi nỗi buồn, thêm nhiều niềm vui...
Tạ Việt Anh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tan-man-ngay-le-trong-193346.htm
Bình luận (0)