Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo cơ sở hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Khu vực biên giới giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từ lâu đã được xem là một trong những điểm kết nối kinh tế, văn hóa và giao thương quan trọng giữa hai nước. Trong đó, các cây cầu biên giới đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kinh tế biên mậu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai30/03/2025

Công trình biểu tượng mới trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Dự án xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng được khởi công tới đây sẽ tạo cơ sở hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thúc đẩy thương mại, hỗ trợ biên mậu, du lịch giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đây có thể coi là một trong những công trình cụ thể hoá mong muốn của lãnh đạo cấp cao hai nước nhiều lần đề cập trong các chuyến thăm và làm việc, đó là triển khai các công trình lớn, mang tính biểu tượng, xứng tầm với quan hệ hai nước.

baolaocai-br_khoi-cong-cau-5.jpg
Đoàn đại biểu châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham quan địa điểm dự kiến xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực Bát Xát (Lào Cai) - Bá Sái (Trung Quốc).

Sự kiện khởi công dự án này là "quả ngọt" sau những nỗ lực của hai tỉnh Lào Cai, Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc suốt một thời gian dài hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng.

Từ cuối năm 2016, tỉnh Lào Cai và đại diện các bộ, ngành Trung ương đã tổ chức khảo sát thực địa; sau đó các bộ, ngành Trung ương đều thống nhất đề nghị của tỉnh Lào Cai về chủ trương xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).

Tháng 1/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý với đề xuất của tỉnh Lào Cai xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt nam) - Bá Sái (Trung Quốc), đồng thời giao UBND tỉnh Lào Cai tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định. Trong các buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai (vào tháng 3/2018 và tháng 8/2018), Bộ Giao thông vận tải đều thống nhất cao với tỉnh về chủ trương xây dựng cầu và Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ, phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai triển khai các bước tiếp theo để sớm triển khai công trình.

baolaocai-c_khoi-cong-cau-3.jpg
Phối cảnh cầu biên giới bắc qua sông Hồng Bản Vược - Bá Sái.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức 4 lần hội đàm về công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu. Hai bên đã thống nhất vị trí xây dựng cầu, phương án kiến trúc cầu, quy mô công trình…

Hiệp định và nghị định thư xây dựng cầu được Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký kết ngày 12/12/2023. Kế hoạch thực hiện Nghị định và Hiệp định thư xây dựng cầu được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1141/QĐ-TTg ngày 9/10/2024.

Ngày 21/3/2025, Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai - Việt Nam và Đoàn công tác của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã hội đàm trao đổi thống nhất các nội dung cho việc khởi công và xây dựng cầu. Theo đó, ngày 31/3/2025 được hai bên chọn là ngày khởi công chung xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).

Những cây cầu kết nối giao thương

Các cây cầu biên giới không chỉ đơn thuần là công trình hạ tầng giao thông mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả hai bên biên giới. Nhờ sự kết nối qua các cây cầu, các chuỗi cung ứng được tối ưu hóa, giúp tăng cường giá trị sản phẩm xuất - nhập khẩu. Đây là nền tảng để Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và ASEAN với thị trường Tây Nam - Trung Quốc.

Sự phát triển của các cây cầu biên giới kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ, logistics, vận tải và thương mại tại địa phương. Người dân ở các khu vực biên giới đã có thêm nhiều cơ hội việc làm và cải thiện đời sống nhờ các hoạt động kinh tế biên mậu.

baolaocai-br_khoi-cong-cau-7.jpg
Cầu đường sắt Hồ Kiều và cầu Hồ Kiều II bắc qua sông Nậm Thi.

Những năm 2000 trở về trước muốn sang thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ có một đường duy nhất là đi chung với cầu đường sắt Hồ Kiều.

Năm 2001, khi cầu Hồ Kiều II hoàn thành, việc vận chuyển hàng hoá xuất - nhập khẩu và xuất - nhập khẩu của người dân cũng như khách du lịch trở nên rất dễ dàng và thuận lợi, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc).

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ hiện nay về thương mại giữa hai nước, đặc biệt của cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, tỉnh Lào Cai sớm nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng thêm một cây cầu nối thành phố Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu tại một vị trí mới có tầm bao quát, chiến lược và đủ điều kiện để phát triển lâu dài. Từ đây, ý tưởng xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng giữa hai nước được hình thành.

Tháng 10/2002 UBND tỉnh Lào Cai chính thức đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tổ chuyên gia kỹ thuật xây dựng cầu của hai Tỉnh Lào Cai - Vân Nam được thành lập và bước vào đàm phán.

baolaocai-br_khoi-cong-cau-2.jpg
Cầu Kim Thành và Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành sôi động.

Được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với những nỗ lực của ngành giao thông vận tải, ngày 11/5/2004 Sở Giao thông vận tải Lào Cai (Việt Nam) và Ty Giao thông Vân Nam (Trung Quốc) đã ký kết biên bản thống nhất lựa chọn vị trí xây dựng cầu Kim Thành cách cầu Hồ Kiều II khoảng 3,5km về phía thượng lưu sông Hồng.

Hai nước đã thống nhất xây dựng cầu với quy mô hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao. Cầu chính được xây dựng với chiều dài nhịp 280m, thiết kế cho xe nặng 120 tấn, trụ cầu tạo dáng hình chữ V rất có tính thẩm mỹ, chiều rộng ngang cầu 21,5m. Đây là một kỷ lục đối với ngành cầu Việt Nam và là cầu có chiều rộng lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng.

Dự án cầu Bản Vược - Bá Sái chuẩn bị khởi công cũng được thiết kế đặc biệt với độ rộng mặt cầu lên đến 35,3m, thi công theo phương pháp đúc hẫng kết hợp với dây văng đan kiểu rẻ quạt, trụ tháp có chiều cao 20 m tính từ mặt cầu, sẽ đáp ứng tầm nhìn dài hạn cho phát triển kinh tế biên mậu giữa hai nước.

baolaocai-br_khoi-cong-cau-4.jpg
Nhà thầu thi công sẵn sàng khởi công dự án.

Cùng với các cây cầu đã hiện hữu, dự án xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khởi công tới đây không chỉ đóng vai trò là nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai địa phương mà còn tạo ra động lực lớn cho phát triển thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước. Việc hoàn thành công trình sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế, đầu tư, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân hai bên biên giới.

Công trình này là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực biên giới, hướng tới một khu vực phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng.

Có thể khẳng định các cây cầu biên giới nối liền Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy giao thương và tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa hai quốc gia. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, các cây cầu này còn thể hiện tinh thần hợp tác, hữu nghị và cam kết xây dựng một biên giới hòa bình, phát triển bền vững.

Trong tương lai, việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng biên giới, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy hợp tác song phương sẽ là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng của các cây cầu biên giới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các địa phương và Nhân dân biên giới mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Nguồn: https://baolaocai.vn/tao-co-so-hinh-thanh-khu-hop-tac-kinh-te-qua-bien-gioi-post399495.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm