Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch

(Baothanhhoa.vn) - Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được huyện Cẩm Thủy gìn giữ và phát huy gắn với phát triển du lịch.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa05/04/2025

Tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch

Đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm tại Khu du lịch suối cá Cẩm Lương.

Thôn Lương Ngọc là một trong những thôn tiêu biểu của xã Cẩm Lương còn gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với tiếng Mường được dùng trong giao tiếp hàng ngày, trang phục của phụ nữ Mường được sử dụng thường xuyên vào các dịp lễ, tết, hội hè trong năm, thôn Lương Ngọc còn thành lập câu lạc bộ cồng chiêng. Ngoài việc phục dựng được các tiết mục diễn xướng dân gian để tham gia các lễ hội, câu lạc bộ còn thường xuyên biểu diễn để phục vụ khách du lịch đến tham quan khu du lịch suối cá Cẩm Lương. Hiện, thôn Lương Ngọc có khoảng 60 hộ kinh doanh các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác. Số lượng khách du lịch đến thôn Lương Ngọc tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Việc phát triển du lịch đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động thôn, với mức thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/năm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Trương Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương, cho biết: Xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Hiện, nhiều hộ dân có điều kiện xây dựng nhà sàn, mua sắm trang thiết bị để đón khách; làm các dịch vụ du lịch; thành lập 10 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Qua đó, góp phần xây dựng Cẩm Lương trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách, thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển.

Huyện Cẩm Thủy có hệ thống danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, như: động Diệu Sơn (xã Cẩm Vân), động núi Vụng Thung (thị trấn Phong Sơn), đền Ngọc (xã Cẩm Lương), chùa Rồng (xã Cẩm Thành), chùa Vọng (xã Cẩm Giang)... Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như: nghề thêu, lễ cấp sắc, múa rùa, tết nhảy của dân tộc Dao; nghề dệt thổ cẩm, hát xường, đánh cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường. Ngoài ra, huyện còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc đang được người dân giữ gìn và phát huy, như: lễ hội Khai hạ ở suối cá Cẩm Lương, lễ hội chùa Chặng, lễ hội chùa Rồng, lễ hội đền Cùng...

Những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng là điều kiện quan trọng để huyện Cẩm Thủy phát triển du lịch. Vì vậy, nhiều năm qua huyện đã tăng cường công tác quảng bá tiềm năng phát triển du lịch. Đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tu bổ, tôn tạo nhiều di tích, như: đường giao thông vào đền Cùng (xã Cẩm Tú); đình làng Muốt (xã Cẩm Thành), động Diệu Sơn (xã Cẩm Vân)... Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo phát huy hiệu quả thu hút được đông đảo Nhân dân, du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, cầu phúc, cầu an, thúc đẩy du lịch của huyện Cẩm Thủy phát triển. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Cẩm Thủy, 3 tháng đầu năm 2025, huyện Cẩm Thủy đón hơn 70.000 lượt khách du lịch. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Vũ Duyên Hồng, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Cẩm Thủy, cho biết: Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng yếu, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch Cẩm Thủy đến năm 2030. Theo đó, huyện Cẩm Thủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đón 812.700 lượt khách nội địa và 2.000 lượt khách quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Cẩm Thủy đang tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch mới vào quy hoạch chung của huyện. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và liên kết với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để mở rộng thị trường khách du lịch. Huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch tại các xã: Cẩm Lương (điểm du lịch cộng đồng người Mường thôn Lương Ngọc và Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cẩm Lương), Cẩm Thạch (thung lũng hoa chùa Rồng), Cẩm Bình (nông trại Cầu Vồng, làng nghề làm miến dong), Cẩm Liên (điểm du lịch cộng đồng thôn Ngọc Liên, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, tâm linh đồi Hích). Quan tâm tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Chú trọng thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ để gìn giữ bản sắc văn hóa và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng biểu diễn cho thành viên các câu lạc bộ, đội văn nghệ để tăng sức hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch và Nhân dân. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho ngành du lịch; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Xuân Anh

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tao-dieu-kien-cho-cong-dong-dia-phuong-nbsp-tham-gia-va-huong-loi-tu-phat-trien-du-lich-244661.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đoàn kết quốc tế - Nguồn sức mạnh cho Việt Nam chiến thắng
Diện mạo TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước
Lịch trình 24 giờ ăn chơi ở Bắc Ninh
Nồng nhiệt đón chào những bóng hồng diễu binh, diễu hành đến Biên Hòa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm