Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tây Ban Nha rước kiệu khổng lồ suốt một tuần trước Lễ Phục sinh

Du khách đổ xô về một số vùng ở Tây Ban Nha để tham gia rước kiệu khổng lồ trong suốt một tuần trước Lễ Phục sinh, đóng góp "khủng" cho du lịch của quốc gia châu Âu này.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ19/04/2025


Tây Ban Nha - Ảnh 1.

Truyền thống rước kiệu khổng lồ trong suốt Tuần Thánh hay Tuần Lễ Phục sinh ở Tây Ban Nha - Ảnh: SUR

Có truyền thống từ hàng trăm năm nay, các thành phố Sevilla, Valladolid, Zamora, Cuenca, Málaga, … ở Tây Ban Nha đều tổ chức rước kiệu trong Tuần Thánh, hay Tuần lễ Phục sinh, tức một tuần từ chủ nhật Lễ Lá (đánh dấu sự kiện Chúa Jesus vào thành Jerusalem trước khi chịu chết) đến chủ nhật Lễ Phục sinh (tức sự kiện Chúa Jesus sống lại sau khi bị đóng đinh và chết trên Thánh giá).

Đa phần, những chiếc kiệu đều cực lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm người khiêng. Kiệu được trang trí vô cùng công phu.

Những bức tượng được đặt trên kiệu to bằng người thật, mô tả những phân cảnh, sự kiện trong Kinh Thánh về hành trình Chúa Jesus chịu chết, hoặc về sự đau thương của Đức Mẹ Maria khi phải chứng kiến con mình bị hành hình.

Những người khiêng kiệu thường trang phục đặc biệt, che phủ từ đầu đến chân được gọi là áo choàng “sám hối” như một cách thể hiện lòng ăn năn khi Chúa Jesus chịu đóng đinh và chịu chết để gột rửa tội lỗi cho nhân loại.

Một bộ áo choàng sám hối bao gồm một chiếc áo dài, một chiếc khăn trùm đầu, một chiếc mũ trùm đầu hình chóp nón che đi toàn bộ khuôn mặt của người mặc. Màu sắc của những bộ áo choàng sám hối sẽ tùy thuộc vào màu chủ đề của kiệu, có thể là màu đen, màu tím, màu xanh lá hoặc màu trắng.

Một số đoàn rước sẽ yêu cầu người khiêng kiệu phải đi chân trần hoặc đeo xiềng xích, gông cùm ở cổ chân như một hành động đền tội.

Những đoàn rước kiệu thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân địa phương lẫn du khách đi qua các con ngõ nhỏ đã tạo nên cảnh tượng độc đáo của một số vùng ở Tây Ban Nha vào mỗi dịp lễ Phục sinh.

Trong đó, những cuộc rước kiệu ở thành phố Málaga, thuộc tỉnh Málaga cùng tên được nhận xét là nổi tiếng nhất và hoành tráng nhất. Những chiếc kiệu rước ở thành phố Málaga tương đối lớn hơn, một số chiếc kiệu có thể nặng hơn 5 tấn, được hàng trăm người khiêng.

Tây Ban Nha - Ảnh 2.

Những người khiêng kiệu trong bộ áo choàng "sám hối" với chiếc mũ chóp nhọn trùm kín toàn bộ khuôn mặt, thể hiện sự ăn năn trước tội lỗi của mình - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 3.

Hàng chục người khiêng một chiếc kiệu mô tả cảnh Chúa Jesus vào thành Jerusalem trước khi bị đóng đinh vào Chủ nhật Lễ Lá 13-4. Lễ Lá đánh dấu sự kiện người dân thành Jerusalem vẫy lá cây để đón Chúa Jesus và cũng là ngày khởi đầu Tuần Thánh - Tuần Lễ Phục sinh - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha rước kiệu khổng lồ suốt một tuần trước Lễ Phục sinh - Ảnh 4.

Môt người khiêng kiệu gấp Thánh giá từ chiếc lá dừa thông qua hai lỗ nhỏ trên chiếc mũ trùm đầu - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 5.

Bức tượng mô tả cảnh Chúa Jesus bị bắt tại đoàn rước kiệu ở thành phố Málaga hôm 14-4 - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 6.

"Biển người" vây kín các con đường khi đoàn rước kiệu với hàng chục người khiêng đi qua - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 7.

Một thiếu niên nổi bật khi vén mũ trùm đầu giữa đoàn rước kiệu mặc áo choàng sám hối màu đỏ tại thành phố Málaga hôm thứ hai Tuần Thánh (tức ngày 14-4) - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 8.

Bức tượng Chúa Jesus vác Thánh giá lên đồi Calvary, nơi Ngài bị đóng đinh được trùm nilon do trời bất ngờ đổ mưa vào thứ Ba Tuần Thánh ngày 15-3 - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 9.

Những người khiêng kiệu ôm nhau an ủi dưới trời mưa vì lịch trình của đoàn rước kiệu hôm 15-3 đã phải dời lại do trời mưa to. Những người dân cũng bật khóc vì sợ không thể rước kiệu do thời tiết bất lợi - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 10.

Tập tục phóng thích một tù nhân vào mỗi thứ Tư Tuần Thánh có từ thời Vua Carlos III (thế kỷ 18) ở thành phố Málaga. Tuy nhiên, vào ngày 16-4, Málaga lần đầu tiên phóng thích cùng lúc hai tù nhân - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 11.

Cận cảnh chiếc kiệu khổng lồ mô tả lại khung cảnh bữa ăn trong Lễ Vượt qua cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đệ vào thứ Năm Tuần Thánh ngày 17-4 - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 12.

Chiếc kiệu vào thứ Sáu Tuần Thánh ngày 18-4 tái hiện hình ảnh xác Chúa Jesus sau khi được tháo xuống từ Thánh Giá - Ảnh: SUR

Tây Ban Nha - Ảnh 13.

Tối 18-4, người dân rước kiệu Đức Mẹ Sầu Bi. Bức tượng khắc họa lại nỗi đau đớn đến tột cùng của Đức Mẹ Maria khi phải chứng kiến con mình bị hành hạ, đánh đập, bị nhục mạ và cuối cùng là bị đóng đinh vào Thánh giá - Ảnh: SUR

Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Tây Ban Nha Jordi Hereu ước tính khoảng 15 triệu du khách sẽ ghé thăm nước này vào tháng 3 và tháng 4, tức vào mùa Lễ Phục sinh, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông cũng dự đoán chi tiêu của du khách tại Tây Ban Nha sẽ tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024, nâng tổng mức chi tiêu của khách du lịch tại nước này chạm mốc 20 tỉ euro.

Tuy nhiên, các chủ khách sạn tại Tây Ban Nha đang lo ngại nhiều du khách hủy phòng do dự báo thời tiết sẽ có mưa vào chủ nhật Phục sinh.

Lễ Phục sinh năm 2025 rơi vào ngày 20-4, muộn hơn so với những năm trước. Điều này vô tình trùng với thời điểm bắt đầu mùa cao điểm du lịch Tây Ban Nha.

Đáng chú ý, những cuộc rước kiệu trong Tuần Thánh năm 2025 tại thành phố Málaga dự kiến sẽ giúp thành phố này thu hút một lượng du khách “khủng”.

Theo ước tính của chính quyền địa phương, Málaga đã đóng góp vào nền kinh tế Tây Ban Nha 39,7 triệu euro từ các sự kiện, hoạt động tôn giáo trong Tuần Thánh năm 2024.

UYÊN PHƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/tay-ban-nha-ruoc-kieu-khong-lo-suot-mot-tuan-truoc-le-phuc-sinh-20250419085131622.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm