
Đột phá về hạ tầng đô thị
Tuy tỉnh Bắc Kạn đã có lịch sử hình thành 125 năm, nhưng trung tâm tỉnh lỵ mới chính thức trở thành thành phố trong 10 năm qua. Từ một đô thị trẻ còn nhiều hạn chế về kết cấu hạ tầng, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào nâng cấp đường sá, mở rộng không gian đô thị và hiện đại hóa các công trình công cộng.
Hiện nay, hơn 80% tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn đã được cứng hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện quanh năm. Tại khu vực trung tâm, hệ thống đèn LED chiếu sáng công cộng được đầu tư đồng bộ, tạo diện mạo hiện đại cho đô thị và góp phần tiết kiệm năng lượng. Công tác chỉnh trang đô thị cũng được chú trọng, với nhiều tuyến phố được nâng cấp, vỉa hè quy hoạch đồng bộ và các khuôn viên, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, thành phố Bắc Kạn đang triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng như: Đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, đường Chợ Mới - Bắc Kạn, đường kết nối vào Phiêng My, đường vào hồ Nặm Cắt... Những tuyến đường này không chỉ giúp cải thiện kết nối liên vùng mà còn tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ hưu trí tại phường Đức Xuân chia sẻ: “Tôi thấy thành phố thay đổi từng ngày, đường sá rộng rãi hơn, các điểm công cộng sạch đẹp hơn. Hệ thống chiếu sáng buổi tối rất hiệu quả, tạo cảm giác an toàn khi đi lại”. Bà Nông Thị Hè, một tiểu thương tại phường Sông Cầu cũng nhận xét: “Sau hơn chục năm, người thân của tôi trở lại Bắc Kạn và rất bất ngờ trước sự đổi mới của thành phố”.
Phát triển kinh tế dịch vụ - Động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh hạ tầng đô thị, thành phố Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển du lịch và thương mại. Thành phố đã khai trương Trung tâm Điều hành thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị và giám sát giao thông, an ninh. Mô hình “Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt” cũng được triển khai, tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong thương mại và dịch vụ.
Trong lĩnh vực du lịch, hai khu du lịch sinh thái trọng điểm là hồ Nặm Cắt và Thác Bạc - đèo Áng Toòng đang được quy hoạch phát triển. Đây là bước đi quan trọng giúp thành phố khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với mô hình “kinh tế xanh” bền vững.
Đồng chí Hoàng Hà Bắc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi đang tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch và thương mại, coi đây là động lực chính để phát triển kinh tế. Thành phố cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số”.
Thành phố cũng thu hút đầu tư vào Cụm Công nghiệp Huyền Tụng, trong đó có dự án Nhà máy sản xuất giày, dép, đế giày xuất khẩu của Công ty sản xuất giày Chung Jye Bắc Kạn-Việt Nam. Với tổng mức đầu tư khoảng 25 triệu USD, dự án này dự kiến thu hút hàng nghìn lao động địa phương, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Một điểm sáng khác là phố đi bộ Sông Cầu, tổ chức vào thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Không chỉ thu hút khách du lịch và tạo không gian vui chơi, văn hóa cho người dân, phố đi bộ còn là cơ hội để các tiểu thương và doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thúc đẩy kinh doanh.
Những thách thức và kỳ vọng trong tương lai

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thành phố Bắc Kạn vẫn đối mặt với không ít thách thức, như hạn chế về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất sạch cho các dự án còn ít và những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch đất đai.
Trong giai đoạn tới, thành phố Bắc Kạn đặt mục tiêu hoàn thiện Đồ án quy hoạch xây dựng đến năm 2045, huy động nguồn lực đầu tư và cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Thành phố cũng cam kết tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, đặc biệt là du lịch sinh thái và thương mại điện tử, nhằm đa dạng hóa ngành kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian “xanh - sạch - văn minh”, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2030 và là một đô thị phát triển bền vững, hiện đại, đáng sống./.
Nguồn: https://baobackan.vn/thanh-pho-bac-kan-phat-trien-ha-tang-do-thi-va-kinh-te-dich-vu-post70060.html
Bình luận (0)