Giải quyết thủ tục hành chính qua mạng internet nhanh chóng, tuyên truyền chủ trương, chính sách qua mạng xã hội, phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển các mô hình kinh tế… là những tiện ích mà công nghệ số mang đến, làm thay đổi tư duy, cách làm và cuộc sống của người dân nông thôn ở Vĩnh Phúc hiện nay. Hòa trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước, việc chuyển đổi số, xây dựng thôn thông minh đã từng bước đưa các vùng quê trước kia còn nghèo nàn, lạc hậu từng bước tiệm cận với nhịp sống thị thành, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại hơn.
Kết nối chính quyền - nhân dân
Đến thôn Đình Tre, xã Thái Hòa (Lập Thạch), chúng tôi bất ngờ bởi không chỉ lớp trẻ mà ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể sử dụng thành thạo mạng xã hội như zalo, facebook để xem các thông báo của thôn, xã; cập nhật thông tin thời sự hay tra cứu bảo hiểm xã hội, nộp tiền điện, khám chữa bệnh từ xa...
Bà Đỗ Thị Tỉnh, người dân trong thôn cho biết: "Do tuổi già nên tôi hay bị đau lưng, nhức mỏi xương khớp, mất ngủ. Mỗi lần như vậy tôi đều phải nhờ con, cháu đưa tới Trung tâm y tế huyện hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, nhưng từ khi trưởng thôn phổ biến ứng dụng y tế thông minh, tôi đã được kết nối với bác sĩ tuyến tỉnh tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Nhờ có wifi miễn phí ở nhà văn hóa, tôi trò chuyện với bác sĩ, miêu tả tình trạng bệnh và được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách điều trị khá kỹ càng. Do tuân thủ cách điều trị nên bệnh tình của tôi đã thuyên giảm mà không mất thời gian đi lại như trước".
Được biết, từ khi triển khai tiêu chí số 2 về y tế thông minh trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cán bộ thôn Đình Tre đã tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký, khám bệnh từ xa nhằm chủ động, tiết kiệm thời gian đi lại; hướng dẫn người dân cài đặt APP sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa trên điện thoại di động và triển khai thí điểm thực hiện số sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.
Đến nay, thôn Đình Tre có 73% người dân tham gia và sử dụng ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; 100% người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử trên các tài khoản định danh điện tử VNeID, VssID.
Mới đây, thực hiện chủ trương lấy ý kiến cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, ông Nguyễn Quang Tâm, Trưởng thôn Đình Tre đã thông báo tới 100% hộ dân trong thôn nắm bắt được thông tin chỉ bằng 1 tin nhắn gửi lên nhóm zalo chung của thôn.
Nhờ vậy, các hộ dân đều bố trí người nhà đại diện điền vào phiếu, giúp việc lấy ý kiến diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, kịp thời. Nếu như trước đây khi chưa có ứng dụng này, việc thông báo đều phải qua loa phát thanh hoặc tổ trưởng tổ liên gia đến từng hộ dân nên mất khá nhiều thời gian. Đến nay, chỉ cần 1 tin nhắn, đại diện các hộ dân trong thôn đều nắm bắt được đầy đủ thông tin.
Theo ông Tâm: Với địa bàn khu vực nông thôn rộng, dân số đông, hiện nay, phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa hoặc làm ở các doanh nghiệp, bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, trong đó có zalo để xây dựng kênh kết nối giữa chính quyền và nhân dân rất thiết thực, hiệu quả.
Còn nhớ, thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, hầu hết các chỉ đạo từ cấp trên, những thông tin quan trọng đều được truyền tải nhanh chóng qua mạng xã hội zalo, giúp nhân dân nắm bắt kịp thời để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch.
Mọi vấn đề, thắc mắc của người dân đều được cán bộ xã, thôn kịp thời giải đáp, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân, quyết tâm đẩy lùi đại dịch.
Đến nay, phát huy tiện tích của mạng xã hội, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin về phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm… kịp thời tới mọi người dân qua ứng dụng này.
Đi chợ quê... chẳng sợ quên tiền!
Với sự thuận tiện về giao thông, xã Thái Hòa phát triển mạnh hoạt động kinh doanh, buôn bán với đa dạng mặt hàng. Điều thú vị là tại các quầy hàng của tiểu thương, từ hàng gia dụng, tạp hóa đến các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả… đều có bảng quét mã QR để đáp ứng mọi hình thức thanh toán của khách hàng.
Người dân ở đây đã quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Với ứng dụng này, họ sẽ không còn lo lắng nếu chẳng may đi chợ quên ví và người bán hàng cũng tránh được rủi ro về tiền giả.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Nguyễn Thương Quý: Đây là thành quả nhiều năm tuyên truyền xây dựng NTM kiểu mẫu và sau hơn 1 năm triển khai xây dựng mô hình “thôn thông minh” của địa phương.
Năm 2023, trên cơ sở có 6 thôn “về đích” NTM kiểu mẫu, địa phương tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu và lựa chọn thôn Đình Tre, thôn Đền xây dựng thôn thông minh, phổ cập công nghệ, tuyên truyền chủ trương chuyển đổi số đến từng thôn, xóm, từng người dân.
Việc xây dựng thôn thông minh bám sát 3 tiêu chí về tổ chức sản xuất thông minh, y tế thông minh và ứng dụng công nghệ số trong công tác thông tin, truyền thông. Thời gian đầu, xã gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi Thái Hòa vốn là xã thuần nông, tỷ lệ người trưởng thành ở cả 2 thôn sử dụng điện thoại thông minh chưa nhiều.
Khái niệm “chuyển đổi số” vẫn là điều mới mẻ; phần lớn người dân, nhất là người trung niên, cao tuổi chưa có điện thoại thông minh, chưa tiếp cận với mạng internet và khả năng tiếp thu công nghệ hạn chế.
Nhưng, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền xã, cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên với tinh thần xung kích đã tích cực hỗ trợ người dân cài đặt, hướng dẫn thực hành các thao tác trên điện thoại thông minh, từ đó, người dân trong thôn dần dần tiếp cận và sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin.
Đến nay, các điểm sinh hoạt cộng đồng gồm nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và trường học đều có mạng wifi tốc độ cao miễn phí phục vụ các cuộc hội họp, sinh hoạt, học tập, tra cứu thông tin của người dân.
Trên 84% số người trưởng thành trong thôn có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, học phí, cước dịch vụ viễn thông. 100% hộ kinh doanh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng mạng xã hội zalo, facebook, livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm.
Những tiện ích công nghệ số đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ sôi động hơn, tăng tương tác giữa người bán - người mua. Nhiều mặt hàng nông sản được quảng bá, giới thiệu rộng rãi, tiếp cận nhiều đối tượng khác hàng, từ đó, tăng sản lượng bán ra, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân.
Phương Loan
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127719/Thon-thong-minh---Hat-nhan-“nong-thon-so”--Ky-1-Dang-dap-nhung-
Bình luận (0)