Cảng Cái Mép-Thị Vải giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng logistics khu vực phía Nam. Trong ảnh: Cái Mép-Thị Vải nhìn từ cảng TCIT. |
Kết nối cảng và KCN
Trong những năm gần đây, các DN trong ngành logistics đã tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng và kết nối với cảng Cái Mép-Thị Vải. Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH Ashton Furniture Consolidation, một DN logistics chuyên ngành nội thất đến từ Mỹ. Năm 2022, công ty này đã xây dựng kho ngoại quan tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, cách cảng chỉ vài phút di chuyển. Với vị trí thuận lợi, DN có thể tiếp cận container dễ dàng, giảm thiểu thời gian và chi phí cho hoạt động xuất khẩu.
“Kho ngoại quan gần cảng giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, KCN cũng có nhiều đối tác hỗ trợ phát triển kinh doanh”, ông Simpson Jr Robert Allan, Giám đốc Điều hành công ty chia sẻ.
Không chỉ lĩnh vực nội thất, lĩnh vực sản xuất giấy cũng đang khai thác tối đa các lợi thế từ hạ tầng cảng biển. Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (Nhật Bản) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu lớn hàng năm. Ông Takeshi Shiromaru, Phó Tổng Giám đốc công ty cho rằng, DN cần nhập khẩu phế liệu số lượng lớn và xuất khẩu hàng hóa sang nhiều quốc gia. Dịch vụ cảng biển thuận tiện là yếu tố quyết định cho hoạt động kinh doanh.
Câu chuyện của các DN này phản ánh rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp cảng biển liên kết, nơi KCN và cảng biển bổ trợ lẫn nhau, giúp tạo ra “chân hàng” vững chắc và thu hút đầu tư.
Hiện toàn tỉnh có 13 KCN đang hoạt động với hơn 600 dự án trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, nhẹ, phụ trợ. Đặc biệt, hầu hết các DN trong các KCN này đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ cảng biển, giúp rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển. Nhờ vào việc quy hoạch KCN xung quanh cảng, khu vực này đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sự kết hợp giữa các KCN và cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh cảng Cái Mép đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến năm 2024, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng Cái Mép-Thị Vải đạt gần 102 triệu tấn, tăng 25% so với năm 2023. Trong đó, hàng container tăng 37%, chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành logistics. Các con số này không chỉ phản ánh sự phát triển vượt bậc của ngành logistics mà còn minh chứng cho thành công của mô hình kết hợp giữa các KCN và cảng biển trong việc tạo ra “chân hàng” vững chắc. |
Hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển
Bên cạnh việc phát triển các KCN, tỉnh còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo kết nối mạnh mẽ giữa cảng Cái Mép-Thị Vải và các khu vực kinh tế trọng điểm. Các công trình giao thông quan trọng như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, 991B, cầu Phước An, hệ thống đường sắt kết nối cảng Cái Mép với các khu vực kinh tế trong và ngoài tỉnh sẽ tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giảm thiểu chi phí vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc hoàn thiện các tuyến cao tốc và kết nối giao thông sẽ tạo ra lợi thế lớn cho các DN trong việc vận chuyển hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, giúp gia tăng giá trị cho các dịch vụ xuất nhập khẩu qua cảng Cái Mép.
Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, giao thông kết nối được hoàn thiện sẽ giúp cải thiện đáng kể hoạt động logistics trong khu vực. Cụ thể, các dự án trên sẽ giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển, tạo thuận lợi cho các DN trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Qua đó giúp DN có thể mở rộng thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư vào các KCN xung quanh cảng, tạo cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững của ngành logistics và nền kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/thuc-day-lien-ket-cang-bien-voi-chan-hang-1041767/
Bình luận (0)