Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ: Cần bắt đầu từ chính doanh nghiệp

Để đạt được mức tăng trưởng 2 con số, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần ngành bán lẻ phải có bước chuyển mình, cấu trúc lại trong kỷ nguyên mới.

Hà Nội MớiHà Nội Mới20/04/2025

tieu-dung.jpg
Người tiêu dùng mua hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang

Doanh nghiệp bán lẻ linh hoạt bán hàng đa kênh

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Hà Nội trong quý I-2025 đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về kết quả này, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã chủ động, tích cực trong công tác đẩy mạnh liên kết vùng, là đầu tàu hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cân đối cung - cầu trên địa bàn thành phố. Hoạt động cung ứng hàng hóa được duy trì ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong các dịp lễ, Tết, góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng của thành phố trong những tháng đầu năm chỉ tăng 2,77%, thấp hơn mức tăng chung của cả nước và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phía các doanh nghiệp, đã linh hoạt mở rộng bán hàng đa kênh kết hợp với nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại nên sức mua, doanh thu bán hàng tăng trưởng tốt. Hoạt động phân phối và tiêu dùng của người dân qua nền tảng thương mại điện tử được duy trì và tiếp tục tăng trưởng mạnh. “Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng giá thành hợp lý nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm ưu thế lớn trên kệ hàng tại các hệ thống phân phối và được nhiều người tiêu dùng đón nhận, lựa chọn”, ông Võ Nguyên Phong thông tin.

Dù đã đạt được kết quả tích cực song trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước, để tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 12%, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc vận hành chuỗi Winmart Nguyễn Trọng Tuấn cho biết, Việt Nam có khoảng 65% là khu vực nông thôn và còn lại là thành thị. Khu vực này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ. Tăng trưởng 12% cũng là một con số thách thức. Nhưng nếu có giải pháp thúc đẩy bán lẻ nông thôn thì vẫn có khả năng đạt được. Đây cũng là định hướng của hệ thống siêu thị để có thể vừa đạt được mức tăng trưởng, đồng thời chiếm được miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho việc thuê đất, miễn thuế tiền điện để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sang khu vực nông thôn.

Giám đốc Đối ngoại Central Retail Việt Nam Phạm Thị Thùy Linh đề nghị, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức các hội nghị, chương trình kết nối giữa các đơn vị bán lẻ, các hiệp hội, đối tác có mặt bằng bán lẻ và các cơ quan quản lý nhà nước để phát triển hạ tầng thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua các kênh phân phối trực tuyến.

Cần sự chung tay của các bên

Thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ tại Việt Nam lên 12% trong năm 2025, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho rằng, bên cạnh những kiến nghị của doanh nghiệp đối với cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc của chính doanh nghiệp bán lẻ. “Chúng ta yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải tiết giảm 30% thủ tục hành chính, tuy nhiên các doanh nghiệp bán lẻ chưa thực hiện được điều này, đặc biệt trong khâu thu mua sản phẩm đầu vào. Thời gian thanh toán cho các nhà cung cấp kéo dài từ 30-60 ngày, gây khó khăn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh thu nhỏ, vốn ít...”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, ngành bán lẻ đang đóng góp khoảng 150 tỷ USD và theo định hướng của Đảng, Nhà nước, doanh số ngành bán lẻ sẽ tăng lên 165 tỷ USD trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho GDP. Để thương mại phát triển 2 con số, đóng góp chung vào GDP, cần có kế hoạch để thực sự phát triển nền tảng hạ tầng thương mại vật lý và phi vật lý, nền tảng hạ tầng giai đoạn đến năm 2030, đặc biệt năm 2025 - năm cuối trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, vì sẽ mở ra định hướng mới cho giai đoạn tới.

Cùng với đó, cần phát triển đồng bộ các ngành đóng vai trò hỗ trợ lĩnh vực thương mại như ngành logistics và công nghệ thông tin bởi hai lĩnh vực này góp phần quan trọng để ngành thương mại phát triển, đồng hành với sự phát triển chung. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cả nước để tránh tình trạng các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau cũng như cạnh tranh với các nguồn khác. Cần kế hoạch dài hơi để các vùng nguyên liệu mang tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau, góp phần phát triển thương mại nói chung.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu…

Theo các chuyên gia, thị trường với quy mô hơn 200 tỷ USD sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ, không chỉ về giá bán mà còn là tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm. Để không tụt lại phía sau, doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/thuc-day-tang-truong-ban-le-can-bat-dau-tu-chinh-doanh-nghiep-699666.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm