
Trong buổi báo cáo tài chính ngày 1/5, CEO Tim Cook cho biết phần lớn thiết bị được Apple vận chuyển đến Mỹ trong quý II sẽ lắp ráp tại Ấn Độ và Việt Nam. Đây là động thái nhằm xoa dịu lo lắng về tác động thuế quan đến hoạt động kinh doanh của Apple.
Theo WSJ, Apple là một trong những công ty công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nhất khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan vào đầu tháng 4, phần lớn bởi dây chuyền sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ nỗ lực của Táo khuyết nhằm di chuyển hoạt động lắp ráp sang Ấn Độ và những quốc gia khác, ít nhất với thiết bị bán tại Mỹ.
Buồn vui lẫn lộn
Trong phiên giao dịch kết thúc ngày 1/5 (giờ địa phương), cổ phiếu Apple giảm khoảng 4%. CEO Tim Cook cho biết giả sử chính sách thuế quan không thay đổi, công ty sẽ ghi nhận chi phí quý II tăng 900 triệu USD, thậm chí cao hơn trong những quý tiếp theo.
“Chúng tôi ước tính tác động sẽ khiến chi phí tăng thêm 900 triệu USD. Con số này không nên dùng để tính toán dự báo doanh thu các quý tiếp theo, bởi một số yếu tố có lợi sẽ xảy ra trong quý”, trang tin Bloomberg dẫn lời Cook.
Nhìn chung, doanh thu quý I của Apple tăng 5% lên 95,36 tỷ USD, một phần do nhu cầu iPhone cao sau khi ra mắt iPhone 16e, mảng kinh doanh ứng dụng và dịch vụ tăng trưởng. Lợi nhuận ròng giai đoạn này đạt 24,78 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Dòng iPhone 16 trưng bày trong cửa hàng Apple. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, kết quả này vượt kỳ vọng của nhà phân tích Phố Wall (lợi nhuận 24,37 tỷ USD, doanh thu 94,35 tỷ USD). Apple ước tính doanh thu quý II tăng nhẹ.
Cổ phiếu Apple đang phục hồi sau giai đoạn giảm mạnh vào đầu tháng 4. Dù vậy, chính phủ Mỹ vẫn cân nhắc các hành động có thể ảnh hưởng lĩnh vực công nghệ. Điều này có thể khiến Apple đối mặt thuế quan 20% với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, và 10% nếu nhập từ Ấn Độ.
“Chúng tôi sẽ quản lý công ty theo cách chúng tôi vẫn làm, khi đưa ra quyết định một cách chu đáo và thận trọng. Nhìn về phía trước, chúng tôi vẫn tự tin”, Cook cho biết.
Trong quý I, doanh số iPhone, mảng kinh doanh quan trọng nhất của Apple, tăng 2% lên 46,84 tỷ USD. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số iPhone tăng hơn 10% tại nhiều thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Đông, giúp công ty vươn lên vị trí số một về thị phần smartphone toàn cầu trong quý I.
Nỗ lực đa dạng chuỗi cung ứng
Theo Tim Cook, “phần lớn” iPhone bán tại Mỹ trong quý II sẽ đến từ Ấn Độ, trong khi “gần như tất cả” thiết bị khác gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods sẽ nhập khẩu từ Việt Nam.
“Kinh nghiệm lâu dài của chúng tôi cho thấy việc tập trung mọi hoạt động tại một địa điểm chứa quá nhiều rủi ro”, Cook nhấn mạnh khả năng tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhìn chung, cổ đông và nhà phân tích vẫn chờ đợi thông tin cụ thể về kế hoạch di chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, đặc biệt khi thời gian hoãn thuế quan chỉ kéo dài 90 ngày.
Về phía Apple, Tim Cook nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ. Giới phân tích cho rằng nếu nhập khẩu toàn bộ iPhone đang sản xuất tại Ấn Độ (khoảng 25 triệu chiếc), Apple có thể đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của người dùng Mỹ.
![]() |
Quảng cáo iPhone 16e tại một cửa hàng của Apple. Ảnh: Bloomberg. |
Công ty phân tích TechInsights giả định nếu thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc về khoảng 50%, chi phí phần cứng của iPhone 16 Pro có thể tăng 300-500 USD.
Apple dành nhiều thập kỷ xây dựng chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, gồm các dây chuyền lắp ráp, nhà máy và đội ngũ công nhân lành nghề.
Dù vậy, hoạt động bán lẻ của Apple tại Trung Quốc đang gặp khó khăn khi người dùng chuyển sang smartphone nội địa.
Xu hướng này có thể tiếp tục khi các thương hiệu Mỹ không còn sức hút với người dùng Trung Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài. Quý I, doanh số Apple tại Trung Quốc giảm hơn 2%, khu vực duy nhất tăng trưởng âm.
Trong khi đó, mảng kinh doanh dịch vụ gồm ứng dụng, Apple Music và Apple Pay, đạt doanh thu 26,65 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức từ nhiều phía
Kết quả kinh doanh ổn định của Apple diễn ra trong bối cảnh thị trường hỗn loạn. Công ty trải qua những thách thức như hệ thống Apple Intelligence không đạt kỳ vọng, thuế quan của ông Trump tác động đến sản xuất...
Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán iPhone có thể tăng giá từ 1.000 lên 1.600 USD. Một số khách hàng đổ xô mua iPhone trước khi giá tăng, dự kiến đóng góp vào doanh số iPhone quý II (kết thúc vào tháng 6).
Theo nhà phân tích Craig Moffett từ MoffettNathanson, khoảng 1/4 lợi nhuận hoạt động của Apple đến từ tiền bản quyền thanh toán bởi Google, dùng để cài đặt Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari.
Tuy nhiên, khoản tiền trị giá 20 tỷ USD/năm có thể biến mất nếu thẩm phán tuyên bố Google vi phạm luật chống độc quyền.
![]() |
Bên trong một cửa hàng Apple tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg. |
Dù không gây chú ý, một thẩm phán khác đã chỉ trích Apple trong ngày 1/5 về chính sách App Store, bên cạnh đề xuất biện pháp. Nếu được phê duyệt, lập trình viên có thể chuyển hướng người dùng sang cổng thanh toán ngoài App Store một cách dễ dàng hơn. Điều này có khả năng tác động mảng dịch vụ vốn đang kinh doanh tốt.
Apple không chỉ làm mới dòng sản phẩm mà còn muốn mở rộng cạnh tranh trong lĩnh vực AI, dù những bước đi đầu tiên vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm ngoái, Apple ra mắt hệ thống AI có thể tóm tắt thông báo, viết email và nâng cấp trợ lý Siri. Đến tháng 3 năm nay, đại diện Apple xác nhận không thể phát hành Siri bản mới theo lịch trình.
Trong buổi báo cáo tài chính, Cook cho biết Apple cần thêm thời gian hoàn thiện phiên bản mới của Siri, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
“Chúng tôi cần thêm thời gian hoàn thành công việc, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao của công ty. Dù mất thời gian hơn kế hoạch, chúng tôi đang làm tốt”, Cook nhấn mạnh.
Nguồn: https://znews.vn/apple-tang-nhap-khau-thiet-bi-tu-an-do-viet-nam-post1550413.html
Bình luận (0)