Các đại biểu sẽ thảo luận, chia sẻ các giải pháp về kiểm kê phát thải, mô hình quan trắc, cảnh báo, dự báo, vùng phát thải thấp (LEZ), đốt ngoài trời, đối chiếu với tác động sức khỏe và bài học quốc tế…
Đây là thông tin tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) tổ chức. Trong 2 ngày 24 – 25/4, các đại biểu sẽ thảo luận, chia sẻ các giải pháp về kiểm kê phát thải, mô hình quan trắc, cảnh báo, dự báo, vùng phát thải thấp (LEZ), đốt ngoài trời, đối chiếu với tác động sức khỏe và bài học quốc tế…
Thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
Theo Thứ trưởng, cải thiện chất lượng không khí không phải là trách nhiệm của riêng Bộ NN&MT mà là nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cộng đồng.
"Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới, chúng ta cũng sẽ phải chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Ngay giờ đây, chúng ta cần chung tay hành động để giữ gìn bầu trời xanh, bảo vệ sức khỏe người dân và xây dựng một môi trường sống bền vững", Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình và có chiều hướng kém, gia tăng ô nhiễm trong những giai đoạn gần đây. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại hai thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và vượt nhiều so với khuyến cáo của WHO.
Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài theo mùa, lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau, gồm phát thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt; phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời…
Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí thường gia tăng mạnh trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau do yếu tố bất lợi của thời tiết, hiện tượng nghịch nhiệt, lặng gió, ít mưa. Trong khi tại TPHCM, nhiều đánh giá, nghiên cứu cho rằng mật độ giao thông cao và hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính.
Ngoài ra, có một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí, mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng các cơ quan quản lý và nhà khoa học cũng đang thảo luận và đánh giá về phát thải của một số nguồn phát thải tự nhiên và xuyên biên giới: Bụi từ các hoạt động nông nghiệp, cháy rừng, và khói bụi từ các nước xung quanh cũng lan truyền và góp phần làm gia tăng thêm tình trạng ô nhiễm.
Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đầu mối là Cục Môi trường đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí…
Bộ NN&MT đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc. Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 – 2030, với từng nhóm giải pháp như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng.
Song song với đó, Bộ đã chủ động các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực; phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, Worldbank, UNEP các tập đoàn và tổng công ty để triển khai các dự án thí điểm, phát triển mạng lưới trạm đo nhanh chất lượng không khí, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giao thông xanh và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, Bộ cũng sẽ có 2 đoàn công tác, trong đó có đoàn công tác cấp cao của Bộ trưởng về trao đổi kinh nghiệm, học tập Bắc Kinh trong cải thiện, kiểm soát, quản lý chất lượng không khí.
Đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là rất quan trọng trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Bà Ramla Khalidi kêu gọi tất cả các bên liên quan bao gồm các cơ quan Chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng quốc tế, địa phương và toàn thể người dân cùng đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí.
"Chất lượng không khí tại Hà Nội giảm 7%; TPHCM giảm 3% trong những năm qua. Chúng ta có thể thấy nó là con số nhỏ nhưng thực chất nó là rất lớn. Tôi ghi nhận và đánh giá cao các cam kết của Chính phủ Việt Nam về cải thiện chất lượng không khí. Thời gian tới, các cơ quan liên quan cần củng cố cơ sở nghiên cứu khoa học, cải thiện công tác nghiên cứu và dự báo…", Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam chia sẻ.
Chiều 25/4, Bộ NN&MT sẽ cùng Đoàn giám sát Quốc hội tổ chức hội thảo về cơ chế, chính sách và pháp lý liên quan đến quản lý chất lượng không khí, qua đó giúp chỉ ra những vấn đề bất cập để hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.
Thu Cúc
Nguồn: https://baochinhphu.vn/tim-giai-phap-kiem-soat-cai-thien-chat-luong-khong-khi-102250424184223131.htm
Bình luận (0)