Tham dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; các viện, sở, ngành liên quan; doanh nghiệp sản xuất ca cao trong nước.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng – CDC phát biểu khai mạc. |
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao: Từ hạt ca cao đến thanh socola”, giai đoạn 2022 – 2026 do Liên minh châu Âu và Tổ chức Helvetas tài trợ, được triển khai ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Mục tiêu của dự án là thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp và trong chính sách nông nghiệp của Việt Nam, hướng đến tăng trưởng kinh tế công bằng và giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Trong đó, tập trung chuyển đổi phân ngành ca cao/socola sang phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn tại những khâu quan trọng trong vòng đời sản phẩm và nhân rộng phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn sang các phân ngành nông nghiệp thực phẩm khác.
Ông Phạm S, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến. |
Dự án sẽ mang lại cho 3.500 nông dân có thu nhập gia tăng nhờ áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn; 500 người có việc làm hoặc cơ hội việc làm tốt hơn; 6 công ty ca cao chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; 4.000 tấn ca cao được sản xuất ứng dụng các giải pháp mới; 100 tấn bao bì sinh học được sản xuất; 250.000 EUR đầu tư vào mô hình kinh tế tuần hoàn; 4 sáng kiến chính sách hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn được xây dựng.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận của cuộc họp. |
Tính đến tháng 3/2025, dự án đã có: 3 nghiên cứu điển hình công bố; 10 doanh nghiệp/HTX ca cao được hỗ trợ; 30 gói hỗ trợ kỹ thuật thực hiện; 6 mô hình trình diễn; tổ chức 27 khóa đào tạo, với 1.428 người được đào tạo; khoảng 70% nông hộ trồng ca cao được tiếp cận và gián tiếp hưởng lợi…
Hiện nay, tổng diện tích trồng ca cao của Việt Nam đạt 3.4071 ha, trong đó các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng chiếm 48%. Tổng sản lượng ca cao nguyên liệu của Việt Nam đạt 4.789 tấn/năm. Cao cao là cây trồng lâu năm, việc phát triển cây ca cao trong thời gian qua còn thiếu ổn định, nhiều diện tích ca cao bị thay thế bởi các cây trồng khác tại các vùng. Đặc biệt, việc tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất và tận dụng phụ phẩm để tăng hiệu quả kinh tế chưa được quan tâm.
Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển cộng đồng – CDC ký kết hợp tác. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành ca cao. Đó là, canh tác ca cao cần xác định tổ hợp cây trồng thích hợp để tạo thành lợi thế của cả hệ thống sinh thái cây trồng bao gồm cây che phủ, cây che bóng, chăn gió, cây che bóng cho cây ca cao là bắt buộc; triển khai rộng rải các ứng dụng chế biến từ phụ phẩm từ ca cao (vỏ, bã ca cao...); nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển cây ca cao bền vững. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phát triển của Bộ Nông nghiệp và Môi trường dành riêng cho cây ca cao để khai thác lợi thế của cây ca cao Việt Nam…
Nhân dịp này, Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển cộng đồng – CDC đã ký kết hợp tác toàn diện giữa hai bên trong hợp tác chiến lược về môi trường, xã hội và quản trị nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cùng chung tay hướng đến sự thịnh vượng cho cộng đồng.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-san-xuat-ca-cao-b600a61/
Bình luận (0)