Huyện Bảo Lạc có 15/17 xã, thị trấn thuộc khu vực III và 121 thôn, bản đặc biệt khó khăn, với 98,59% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức về vay vốn để sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế khiến việc triển khai TDCS gặp nhiều trở ngại. Trước thực tế đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động là chìa khóa quan trọng để giúp người dân tiếp cận hiệu quả nguồn vốn, từng bước cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế bền vững. Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Lã Hoài Nam nhấn mạnh: Ngay khi Chỉ thị 40-CT/TW có hiệu lực, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, việc thành lập và kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, cùng với tập huấn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” đã giúp nâng cao hiệu quả của TDCS trên địa bàn.
Để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện áp dụng phương thức cho vay ủy thác từng phần thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Các tổ chức không chỉ trực tiếp quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản mà còn giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn, nâng cao trách nhiệm của người vay. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 238 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 146 thôn, bản, tổ dân phố với hơn 6.900 thành viên. Nhờ hoạt động hiệu quả, nợ quá hạn duy trì dưới 1% và trên 99% khách hàng trả nợ đúng hạn. Mô hình không chỉ giúp người dân tiếp cận vốn thuận lợi hơn mà còn từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Hiện tại, huyện Bảo Lạc đang triển khai 18 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cùng các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm. Trong đó, 8 chương trình tập trung vào hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số đã trở thành động lực quan trọng giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn TDCS, 10 năm qua, hơn 3.000 hộ dân tại Bảo Lạc đã thoát nghèo, gần 1.000 lao động được tạo việc làm, hơn 200 học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập. Hàng nghìn công trình nước sạch, nhà ở kiên cố được xây dựng, cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người dân. Các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như trồng hồi, quế, sa mộc, dâu tằm, mận máu... phát triển mạnh, góp phần đa dạng hóa thu nhập và nâng cao đời sống cho các hộ gia đình. Toàn huyện hiện có hơn 2.100 ha hồi, 2.000 ha quế, 256 ha sa mộc cùng nhiều diện tích cây trồng khác… Trong năm 2024, tổng doanh thu từ tinh dầu hồi đạt hơn 20 tỷ đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Giai đoạn 2019 - 2023, hộ nghèo trung bình giảm trên 5%/năm, vượt 90% kế hoạch đề ra, cao gấp đôi so với giai đoạn trước. Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường liên huyện, liên xã dần được mở rộng, kết nối giao thương thuận lợi hơn. Điện lưới, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguồn: https://baocaobang.vn/tin-dung-chinh-sach-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-o-bao-lac-3176419.html
Bình luận (0)