Văn bản dự kiến giao Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai gói tín dụng vượt trội, nhằm khơi dậy đam mê học tập, nghiên cứu và sáng tạo của thế hệ trẻ, đồng thời đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo Dự thảo, đối tượng thụ hưởng bao gồm tất cả những học sinh, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, máy tính-công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc-xây dựng, sản xuất-chế biến, toán và thống kê. Các đối tượng này phải đang học tại các trường đại học, cao đẳng hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật của chính sách là mức vay tối đa được thiết kế để “bao trọn” nhu cầu của người học. Theo đó, người vay có thể được hỗ trợ 100% học phí của toàn khóa học, bất kể học phí ở trường công, trường dân lập hay quốc tế, cùng với mức sinh hoạt phí tối đa 5 triệu đồng mỗi tháng.
Chiếu theo cơ cấu này, nếu một sinh viên có học phí 50 triệu đồng mỗi năm và thời gian đào tạo kéo dài bốn năm, tổng mức vay vốn có thể lên tới 440 triệu đồng, mà không cần phải thực hiện bất kỳ hình thức bảo đảm nào áp dụng với khoản vay dưới 500 triệu đồng.
Về lãi suất, Dự thảo quy định áp dụng mức lãi suất tương đương với lãi suất vay hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, luôn duy trì ở mức thấp nhất so với mặt bằng tín dụng thông thường. Việc này giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình, đồng thời khuyến khích các em tập trung tối đa vào việc học tập, nghiên cứu.
Chính sách cũng quy định rõ thời hạn giải ngân và trả nợ linh hoạt. Thời hạn giải ngân bắt đầu từ ngày sinh viên nhận khoản vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khóa học. Thời hạn trả nợ sau đó tính bằng đúng thời gian giải ngân kèm theo thời hạn ân hạn tối đa 12 tháng sau khi hoàn thành khóa học.
Như vậy, với một chương trình đào tạo kéo dài 5 năm, sinh viên có thể được giải ngân trong 5 năm, trả nợ trong 5 năm tiếp theo và có thêm 1 năm ân hạn, tổng cộng lên đến 11 năm.
Để tăng cường tính nhân văn, Dự thảo còn cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc điều chỉnh thời hạn trả nợ khi người vay gặp khó khăn khách quan như thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố gia đình.
Quy định này mang lại sự an tâm cho sinh viên trong quá trình học tập và khởi nghiệp, không bị gánh nặng tài chính cản trở ý chí phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.
Việc Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo chính sách tín dụng STEM xuất phát từ nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực then chốt, đóng vai trò “đòn bẩy” cho công cuộc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Qua đó, Nhà nước thể hiện cam kết đồng hành với thế hệ trẻ, trao cho các em công cụ và điều kiện cần thiết để phát huy tối đa năng lực, từ đó góp phần tạo ra các sản phẩm khoa học-công nghệ có giá trị thực tiễn.
Trước khi ban hành chính thức, Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị đào tạo và cá nhân. Các góp ý sẽ giúp hoàn thiện cơ chế vận hành, bảo đảm quy trình vay vốn, giải ngân và quản lý hiệu quả, đồng thời phù hợp với khả năng tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dự kiến, ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ công bố thủ tục và quy trình cho vay, triển khai trên toàn quốc. Gói tín dụng ưu đãi dành cho STEM hứa hẹn mang đến cú huých mạnh mẽ, hỗ trợ hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh yên tâm học tập, nghiên cứu, sáng tạo và đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong về công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Nguồn: https://nhandan.vn/tin-dung-uu-dai-danh-rieng-cho-sinh-vien-stem-post875005.html
Bình luận (0)