Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín hiệu từ sự im lặng

Tôi ở trong đội hình một đại đội hậu cần đi phục vụ chiến dịch mùa Xuân 1975. Hướng chiến dịch là Lộ 20, Dầu Giây - Lâm Đồng. Đại đội đứng trong đơn vị gọi là “Hậu phương Chiến dịch” của Sư đoàn bộ binh 7 do một trung tá chỉ huy. Đại đội của tôi mang phiên hiệu C3 do trung úy Trung phụ trách. Anh này người Nam Bộ hồi kết. Anh Trung còn khá trẻ, độ ngoài 40 dáng thư sinh, nho nhã, tác phong lịch thiệp, ăn nói dễ nghe, có lẽ từ những kinh nghiệm sống của hai miền mà ra thế.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai26/04/2025


Nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường

Nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường

C3 đóng quân bên này ngầm Tà Lài thổi cơm ăn và chờ lệnh. Hơn mười giờ khuya không ai ngủ nổi vì còn háo hức chờ lệnh xuất phát. Hơn nữa đơn vị đóng cách tiền duyên chỉ vài cây số đường đạn. Chúng tôi nghe rõ tiếng pháo cầm canh từ Túc Trưng, Gia Kiệm, Định Quán. Giữa hai đợt pháo nghe có tiếng đàn ghi ta. Có trung đội nào đó, mang theo đàn? Ai đó, hát bài Quê hương anh bộ đội của Xuân Oanh - “Nơi ấy có cánh đồng tắm nắng vàng tươi, bờ tre dòng sông bãi mía. Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng…”. Một cậu nào đó reo lên thích thú: “đại đội trưởng hát hay quá anh em ơi”. Rõ rồi, anh Trung hát, lại còn tự đệm ghi ta nữa…

Chưa có lệnh mới của tiểu đoàn. C3 vẫn án binh chờ đợi. Đêm “lửa trại” lắng dần xuống. Một số đã thiu thiu ngủ. Có những anh em vẫn ngồi dựa ba lô ôm súng gà gật. Bỗng tất cả bật dậy như chiếc lò xo bị nén bởi tiếng pháo 105 nổ ùng oàng như nện vào tai cộng với tiếng đạn súng các loại. 5h37 ngày 17-3-1975, cuộc đánh chiếm chi khu Định Quán của Sư đoàn bộ binh 7 quân giải phóng bắt đầu. Không gian chao lắc trong tiếng đạn pháo các loại của hai bên. Có phát đạn cối 81 nổ cách nơi C3 ém quân chỉ vài trăm mét. Đại đội trưởng đến các trung đội nhắc nhở, địch bắn ngăn chặn đường tiến quân của ta. Các đồng chí bình tĩnh chờ lệnh từ ban chỉ huy tiền phương.

Sài Gòn giải phóng! Sài Gòn giải phóng rồi bà con ta ơi. Đó là những tiếng reo lên vui mừng của người dân khu vực ấp Dầu Giây. Đó là sự thật mà chúng tôi - những người lính đi chiến trận vẫn bàng hoàng như thể chưa tin được vậy?   

Hết ngày 17-3 đại đội vẫn ém quân chờ lệnh. Có tin: ta chưa hoàn toàn làm chủ chi khu. Địch sau phút đầu hoang mang đã hoàn hồn, cố thủ trong những công sự có gộp đá, chống trả quyết liệt. Ta thương vong một số. Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Lệnh hành quân ban xuống. Bộ đội lên xe ra đường lộ thẳng hướng Định Quán. Chúng tôi nhìn ra hai bên đường, cơ man nào là dân chúng chạy loạn. Người Hoa, người Nùng mặc quần áo xanh đỏ lạ mắt, lần đầu tiên tôi được chứng kiến. Khác với ngoài Bắc người dân, nhất là phụ nữ, chỉ mặc đơn giản quần đen áo nâu, áo trắng là sang rồi. Người chạy ngược, kẻ chạy xuôi như đèn kéo quân, không biết chạy đi đâu. Người ta gánh những đứa bé trong thúng và vật dụng gia đình ở hai đầu quang gánh. Có những người dân còn ôm con lợn độ 4 đến 5 ký lô trong nách như ôm em bé. Có người mệt quá ngồi xuống vệ đường, lấy nón rộng vành che cho con lợn, còn mình thì chịu nắng.

Du kích đi trên xe 67 gọi loa: “Chi khu đã được giải phóng. Nhân dân hãy trở về nhà. Chính quyền cách mạng sẽ bảo vệ người dân, nghiêm cấm mọi hành vi trộm cắp, cướp giật”. Buổi trưa, khi vào xin nước một gia đình tôi hỏi chủ nhà:

- Anh có thấy bộ đội giải phóng đáng sợ như người ta nói không? Không. Chủ nhà trả lời: “Chúng tôi không sợ, các chú hiền khô, không dọa nạt dân gì cả”. Lại hỏi, anh coi năm nay tụi tôi về Sài Gòn không? Năm 68 các chú về rồi lại đi. Năm nay…, người này ngần ngừ… Anh tin đi. Năm nay chúng tôi về Sài Gòn. Tôi nói luôn.

Nguyên sáng hôm đó, chúng tôi thu vũ khí của chi khu. Nắng to. Mùi cao su cháy khét, mùi tử khí khiến chúng tôi váng vất, mệt mỏi và muốn ói. Khoảng 13h tôi đi theo tổ 3 người qua hầm ngầm của chi khu ở ven quốc lộ 20, bỗng nghe tiếng gọi: “Anh giải phóng ơi, chúng tôi xin hàng”. Bộ đội của Sư đoàn 7 áp lại, hô: “Đút báng súng lên trước. Từng người giơ hai tay đi lên” hơn một chục sĩ quan, binh lính Sài Gòn chui lên. Nét mặt ai cũng thất thần, nhợt nhạt. Người sau cùng nom chững chạc. Sau biết đó là đại úy Chánh chỉ huy chi khu. Tôi nom thấy có tổ quay phim của quân đội quay cảnh này.

Suốt một dải lộ 20 từ Dầu Giây đến Định Quán - Phương Lâm được giải phóng. Chúng tôi lên xe theo Sư 7 đi đánh Lâm Đồng. Trinh sát dẫn đi theo đường tắt. Đường be - đường chở cây của dân. Đến Đạ Oai, một con suối lớn nhưng không sâu, có nhiều cô gái dân tộc tắm trần. Thấy bộ đội, các cô thản nhiên như không vấn đề gì. Lính trẻ hơi mắc cỡ. Sau biết đó là văn hóa của đồng bào như vậy, phải tôn trọng.

Ngày 28-3 chúng tôi cùng Sư 7 tiếp quản Tiểu khu Lâm đồng. Sau một tháng đi chiến trận, đến Bảo Lộc khí hậu mát mẻ dễ chịu. Bữa ăn có rau xanh các loại. Quân nhu phát cho thịt hộp thu được từ kho của tiểu khu. Anh em lại sức phần nào. Quân Sài Gòn ở đây tự tan rã khi nghe tiếng gầm của xe tăng quân giải phóng. Đêm 18-4 tại thị xã Bảo Lộc, chúng tôi chứng kiến hình ảnh ông Thiệu xuất hiện trên tivi. Ông nói lời từ biệt đồng bào, ông lên án người Mỹ bỏ rơi quân đội Việt Nam cộng hòa. Ông nói và có lúc ông khóc: “Các ông đòi chúng tôi phải chiến thắng Việt cộng mà chính các ông đã thua...”.

Qua đài Hà Nội, đài BBC chúng tôi biết mặt trận Xuân Lộc vô cùng ác liệt nhưng do áp lực của quân ta từ nhiều phía, đêm 20 rạng 21-4 lợi dụng trời mưa, đêm tối quân Sài Gòn ở Xuân Lộc đã rút chạy theo Lộ 2 đi Vũng Tàu trong đó có tướng Lê Minh Đảo. Nghe phổ biến quân ta chỉ bắt được viên đại tá tỉnh trưởng cùng một số binh sĩ. Thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng. Mở rộng hành lang cho quân ta tiến về Sài Gòn.

 Đại đội được lệnh hành quân thần tốc về Long Khánh, nhưng phải đóng quân tại ngã ba Dầu Giây. Đại đội trưởng Trung đã chuyển đi đại đội khác. Chỉ huy C3 là chuẩn úy Phúc người Hà Nội. Anh này hay cho dân gạo sấy. Đổi lại, dân cho bộ đội chuối với đu đủ. Hóa ra chúng tôi được hưởng “lộc”. Thực ra, khi ở Định Quán, Phương Lâm, sau về Dầu Giây, dân cũng bó tay không chở chuối về Sài Gòn mà bán vì đường tắc do chiến sự. Dân còn bảo: “Các chú lấy chuối mà ăn tự nhiên, để lâu hư, uổng”.

Hàng ngày chúng tôi thường mở đài xem diễn tiến các cánh quân của ta tiến đánh Sài Gòn. Khi thu vũ khí đạn dược tại Trảng Bom thì tôi hiểu rằng đường về Sài Gòn đã rất gần. Các đơn vị phía sau như chúng tôi cũng hừng hực khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...”.

 Khoảng 11h ngày 30-4 không gian sao im lặng đáng ngờ. Một tín hiệu gì đây... từ sự im lặng của chiến trường? Trung sĩ Phát người Hà Tây mở chiếc đài National 3 băng của anh sóng bắt rất khó chỉ phát ra tiếng ọ ẹ như người bị mắc nghẹn ở cổ. Rồi bỗng chúng tôi nghe dù tiếng được tiếng mất: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh Tổng thống chính quyền Sài Gòn, yêu cầu anh em binh sĩ... buông súng... ở đâu ở đó chờ quân giải phóng đến để bàn giao...”.

Thực ra sau đó, ông Minh phải tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện trên đài phát thanh Sài Gòn.

Phát, Tuấn thì ôm chiếc đài nhảy cẫng lên. Nhuận mở radio cassette mà anh vẫn mang theo bên mình với bài bolero: “Anh ơi đô thành giờ đây em sống không quen. Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn...

Ngã ba Dầu Giây trời cao và trong xanh không một gợn mây. Không nghe tiếng máy bay. Không nghe tiếng pháo. Không gian của một vùng quê yên ả thanh bình như chưa hề từng xảy ra chiến tranh. Chúng tôi người lâng lâng khó tả. Mới vài mươi phút trước đây thôi, giờ như đã lạc vào một thế giới khác...

 

Hồi ức của Lê Đăng Kháng

 

 

 

 

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/tin-hieu-tu-su-im-lang-9b65ccf/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm