Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân thù

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân tỉnh Hải Ninh xưa (nay là tỉnh Quảng Ninh) đã đoàn kết một lòng, kiên cường bất khuất trong đấu tranh, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc. Trong đó, tỉnh Hải Ninh là một trong những địa phương thực dân Pháp rút quân sớm nhất miền Bắc.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh23/04/2025



Đại đội 54, bộ đội tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh Tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh)

Đại đội 54, bộ đội tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh)

Tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng cùng nằm trên một dải đất vùng Đông Bắc Tổ quốc, trước năm 1906 cùng chung một đơn vị hành chính với tên gọi là tỉnh Quảng Yên. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, ngày 10/12/1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Hải Ninh trên cơ sở tách phần đất tự nhiên từ huyện Ba Chẽ, Tiên Yên và một phần đảo Cái Bầu (xã Vạn Yên ngày nay), trở ra miền Đông từ tỉnh Quảng Yên.

Trước khi hợp nhất với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh tháng 10/1963, tỉnh Hải Ninh có 7 huyện: Móng Cái, Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Đình Lập (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), Hải Chi (nay là Ba Chẽ).

Dấu tích công trình dinh thự của Voòng A Sáng tại mũi Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu (Vân Đồn), người được Pháp phong cho cái gọi là thủ lĩnh

Dấu tích công trình dinh thự của Voòng A Sáng tại mũi Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu (Vân Đồn), người được Pháp phong cho cái gọi là thủ lĩnh "Xứ Nùng tự trị" ở tỉnh Hải Ninh những năm 1947-1954. Ảnh: T.M

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, quân và dân tỉnh Hải Ninh cùng các địa phương khác đã làm tan rã một mảng lớn lực lượng vũ trang của địch trên chiến trường Đông Bắc, góp phần đáng kể vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết. Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định: Các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia. Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân khỏi miền Bắc vĩ tuyến 17 là vĩ tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành hai miền, tiến tới tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất đất nước. Theo Hiệp định đình chỉ chiến sự, từ ngày 27/7/1954 đến 8/8/1954, thực dân Pháp rút khỏi tỉnh Hải Ninh và huyện Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ.

Đồn cao của Pháp ở Tiên Yên (năm 1952). Ảnh tư liệu

Đồn Cao của Pháp ở Tiên Yên năm 1952. Ảnh tư liệu

Quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ bắt buộc thực dân Pháp “Không được có hành động hủy hoại hoặc phá hoại tài sản công cộng và xâm phạm đến tính mạng tài sản của thường dân”. Nhưng với bản chất ngoan cố phản động và bị sức ép của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã rắp tâm phá hoại hiệp định, phá hoại lực lượng ta về mọi mặt. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, thì quân Pháp ra sức càn quét cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tháo dỡ máy móc; khuyến khích các đảng phái phản động nổi lên chống phá cách mạng; tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, các địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài.

Tại tỉnh Hải Ninh khi đó, trước khi rút chạy, địch tháo dỡ máy móc, phá nhà cửa và các phương tiện chúng không mang theo được. Đặc biệt nghiêm trọng như ở Tiên Yên, địch cho tay chân đốt hơn 100 nóc nhà. Để khủng bố quần chúng, quân đội Pháp và tay sai thi nhau cướp phá, tống tiền, giết người, gây ra không khí hoang mang lo sợ ở các vùng chúng chuẩn bị rút quân đi. Bọn thực dân hiếu chiến Pháp và đế quốc Mỹ còn ra sức cài cắm bọn phản động, bố trí lực lượng tại chỗ, âm mưu gây bạo loạn ở những nơi cơ sở ta còn non yếu. Ở Hà Cối, bọn phản động dự định tổ chức vũ trang, chống lại lực lượng giải phóng. Ở huyện Ba Chẽ và phía tây huyện Tiên Yên, địch dùng tổ chức phản động có vũ trang khống chế quần chúng tiến bộ, khủng bố cán bộ, đảng viên.

g

Ông Hà Trung Tuấn, khu Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, cựu chiến binh Trung đoàn 238 (Sư đoàn 332, Quân khu Đông Bắc) kể cho thế hệ trẻ Tiên Yên về ngày tiếp quản Tiên Yên 8/8/1954.

Nhận rõ âm mưu của địch, Đảng ta đã xác định tính chất phức tạp của công tác tiếp quản, thực chất là một cuộc đấu tranh giai cấp gay go ác liệt. Các Đảng bộ cơ sở đều quán triệt mục đích của cuộc đấu tranh tiếp thu vùng giải phóng là: Thu hồi các đồn bốt địch; ổn định tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, thiết lập trật tự cách mạng; phục hồi sinh hoạt bình thường của nhân dân. Để thiết lập trật tự cách mạng, các đảng bộ chủ trương dựa vào lực lượng võ trang và phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp phá hoại Hiệp định.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản vùng mới giải phóng, Tỉnh ủy Hải Ninh đã họp Tỉnh ủy mở rộng tại xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Hội nghị thảo luận và thông qua toàn bộ kế hoạch và chương trình hoạt động trên mọi lĩnh vực trong thời gian đầu vào tiếp quản. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã quán triệt sâu sắc những chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng mới giải phóng. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy Hải Ninh đã bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ của các cơ quan Đảng và chính quyền trong tỉnh. Ủy ban Quân chính tỉnh Hải Ninh bao gồm 7 đồng chí, trong đó, đồng chí Đỗ Chính (Bí thư kiêm Chính trị viên Tỉnh đội) làm Chủ tịch, đồng chí Đỗ Mẫn (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh) làm Phó Chủ tịch.

Đô thị TP Móng Cái hôm nay.

Đô thị Móng Cái hôm nay.

Lực lượng tiếp quản tỉnh Hải Ninh chia làm hai bộ phận: Một bộ phận do đồng chí Chủ tịch Ủy ban Quân chính phụ trách vào tiếp quản Tiên Yên, Đầm Hà và Ba Chẽ. Đây là bộ phận chính vào tiếp quản các cơ quan đầu não của tỉnh. Bộ phận thứ hai do đồng chí Ủy viên Ủy ban Quân chính phụ trách vào tiếp quản khu vực Móng Cái và Hà Cối.

Nhân dân các dân tộc ở tỉnh Hải Ninh đã nô nức họp mít tinh đón tiếp bộ đội, cán bộ kháng chiến vào giải phóng. Sức mạnh đấu tranh của nhân dân trong ngày giải phóng đã đè bẹp mọi âm mưu gây bạo loạn của bọn phản động. Đồng bào các dân tộc hàng chục năm sống dưới ách thống trị của bọn phản động, nay được tự do nên vô cùng phấn khởi.



Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân ta, thực dân Pháp đã phải rút quân trước thời hạn quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ (15 ngày sau ngày ngừng bắn, tức là ngày 11/8/1954).

Ngày 27/7/1954, quân Pháp rút khỏi khu Hà Vực - Cái Rồng.

Ngày 28/7/1954, quân Pháp rút khỏi huyện Đầm Hà và huyện Ba Chẽ. Tuy ngoài dự kiến, nhưng do công tác chuẩn bị tốt nên ngay trong ngày hôm đó lực lượng ta đã kịp thời tiến vào tiếp quản Đầm Hà.

Ngày 30/7/1954, quân Pháp rút khỏi huyện Hà Cối, lực lượng ta kịp thời tiến vào tiếp quản cùng ngày.

Ngày 31/7/1954, quân Pháp rút khỏi Hà Gián.

Ngày 2/8/1954, quân Pháp rút khỏi thị xã Móng Cái.

Ngày 8/8/1954, quân Pháp rút khỏi huyện Tiên Yên, lực lượng ta tiến vào tiếp quản. Tỉnh Hải Ninh hoàn toàn được giải phóng.

g

Đoàn viên, học sinh huyện Đầm Hà tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa (xã Đại Bình).

Nhớ về những ký ức ngày tiếp quản, ông Hà Trung Tuấn, khu Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, hồi tưởng: Năm 1954, tôi là chiến sĩ Trung đoàn 238, thuộc Sư đoàn 332 của Quân khu Đông Bắc tiến về tiếp quản Tiên Yên. Giây phút đoàn quân chúng tôi đi giữa phố Tiên Yên vào buổi sáng hôm ấy mãi là kỷ niệm không thể quên. Trung đoàn hơn 1.000 người, được chia làm 3, hành quân từ Đình Lập (Lạng Sơn) về Tiên Yên, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng. Lúc đó, ai trong chúng tôi cũng hừng hực khí thế sẵn sàng bắt tay vào việc tái thiết huyện. Vượt qua hàng rào dây thép gai của Pháp đầu đoạn Yên Than, đoàn quân hùng dũng tiến vào khu vực Trung tâm. Thấy bộ đội hành quân vào, người già lẫn trẻ nhỏ đều ùa hết xuống đường, xuống phố để hoà chung vào không khí náo nức ngày tiếp quản. Quân ta đi đến đâu nhân dân reo hò đến đó. Khắp nơi trong khu vực thị trấn và các vùng lân cận như Tiên Lãng, Khe Tù, Lò Vôi… phấp phới rừng cờ, biểu ngữ bay phần phật trong nắng thu, làm cho cuộc tuần hành của lực lượng dân quân, bộ đội và người dân địa phương thêm phần hừng hực khí thế cách mạng.

Sau tiếp quản tỉnh, Hải Ninh đã củng cố lại chính quyền và lập chính quyền mới ở 17 xã. Chính quyền của ta đã kịp thời giải quyết các vấn đề quan trọng cấp bách như: Cứu đói, phát triển sản xuất, trấn áp bọn phản động đầu sỏ; đấu tranh chống địch cưỡng ép nhân dân di cư vào miền Nam… Do vậy, về cơ bản những lực lượng do địch cài cắm đã bị cô lập, một số ra đầu thú, số khác nằm im hoặc bỏ chạy, tình hình ở vùng biên giới ổn định đã hỗ trợ cho cuộc đấu tranh tiếp quản khu vực 300 ngày. Thắng lợi của cuộc đấu tranh tiếp quản vùng mới giải phóng, đã mở ra một giai đoạn mới cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai. Làm tiền đề quan trọng để quân và dân tỉnh Quảng Ninh sau này giành những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa thời đại và lịch sử sâu sắc trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, vững bước trên chặng đường phát triển và hội nhập.


Nguyễn Thanh

Nguồn: https://baoquangninh.vn/tinh-hai-ninh-sach-bong-quan-thu-3352105.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm