Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tỉnh táo trước những luận điệu phiến diện về sáp nhập đơn vị hành chính

Thời gian gần đây, thông tin về việc sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, kỳ vọng vào sự phát triển sau sáp nhập, trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít bình luận mang tính chủ quan, thậm chí sai lệch.

Báo An GiangBáo An Giang02/05/2025

Nhận diện vấn đề

Thực tế cho thấy, việc sáp nhập ĐVHC là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý, tinh gọn biên chế, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các địa phương, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Quyết định này được đưa ra dựa trên những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về nhiều mặt, bao gồm yếu tố: Lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế - xã hội của các địa phương liên quan.

Trong bối cảnh đó, những luận điệu mang tính chất so sánh, phân biệt giàu nghèo, văn hóa giữa các địa phương, đặc biệt là trên không gian mạng, không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách, mà còn khơi dậy cảm xúc tiêu cực, gây chia rẽ và cản trở quá trình xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng. Việc đánh giá một cách phiến diện, chỉ dựa trên vài chỉ số kinh tế tại một thời điểm nhất định, bỏ qua tiềm năng phát triển, giá trị văn hóa, lịch sử riêng biệt và sự nỗ lực vươn lên của mỗi địa phương... là cách tiếp cận thiếu khách quan, không mang tính xây dựng.

An Giang và Kiên Giang, mỗi tỉnh đều mang trong mình bản sắc văn hóa độc đáo, tiềm năng phát triển riêng biệt. An Giang nổi tiếng với bề dày lịch sử, văn hóa tâm linh, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có tiềm năng lớn về nông nghiệp, du lịch sinh thái. Trong khi đó, Kiên Giang được biết đến với lợi thế về kinh tế biển, du lịch đảo, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL. Việc sáp nhập, nếu được thực hiện một cách bài bản và khoa học, hoàn toàn có thể tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh, khai thác tối đa lợi thế của cả 2 địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang và Kiên Giang biểu quyết thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính 2 tỉnh. Ảnh: Trung Hiếu

Việc so sánh trực tiếp GRDP bình quân đầu người mà bỏ qua những yếu tố cấu thành, tiềm năng tăng trưởng và lợi thế so sánh của mỗi địa phương sẽ dẫn đến kết luận thiếu chính xác. Một tỉnh có thể có GRDP bình quân đầu người thấp hơn, nhưng lại sở hữu nguồn lực tự nhiên quý giá, tiềm năng phát triển bền vững trong dài hạn, hoặc đóng vai trò quan trọng trong một chuỗi giá trị kinh tế lớn hơn.

Chủ trương sáp nhập ĐVHC không đơn thuần là phép cộng cơ học. Việc sắp xếp đảm bảo phù hợp tiêu chí về tiêu chuẩn, lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị và quốc phòng - an ninh; đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ. Việc sắp xếp tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang gắn liền với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển.

Sự kết hợp giữa tiềm năng nông nghiệp, du lịch văn hóa của An Giang với thế mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái của Kiên Giang có thể tạo ra động lực phát triển mới mạnh mẽ hơn. Sự liên kết về hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ có thể giúp khai thác tối đa tiềm năng của cả 2 địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, chuỗi cung ứng nông sản - thủy sản hiệu quả hơn, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế.

Cần cái nhìn xây dựng

Thực tế cho thấy, chủ trương, chính sách sáp nhập thường đi kèm với những giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự công bằng, hài hòa trong quá trình phát triển. Kinh nghiệm từ các đợt sáp nhập ĐVHC trước đây cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho địa phương mới sáp nhập, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển chung.

Việc sáp nhập ĐVHC là quyết sách lớn, có tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Thay vì những bình luận mang tính chất so sánh, gây chia rẽ, dư luận xã hội cần có cái nhìn đa chiều, khách quan, dựa trên phân tích khoa học và thực tiễn. Thay vì những lo ngại mơ hồ, chúng ta nên nhìn vào tiềm năng phát triển tổng thể, cơ hội mới mà quá trình này có thể mang lại.

Mỗi người dùng mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, góp phần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Điều quan trọng hơn hết là mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chọn lọc thông tin một cách tỉnh táo. Thay vì vội vàng tin theo những bình luận mang tính chủ quan, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, chúng ta cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống, lắng nghe ý kiến đa chiều, tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo của các cấp chính quyền.

Quá trình sáp nhập ĐVHC là một bước đi quan trọng, đòi hỏi sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của toàn thể xã hội. Việc lan truyền thông tin sai lệch, luận điệu phiến diện chỉ gây thêm hoang mang, cản trở tiến trình phát triển chung. Hãy cùng nhau xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, dựa trên sự thật, hướng đến mục tiêu chung vì sự phát triển phồn vinh của quê hương.

MINH THƯ

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tinh-tao-truoc-nhung-luan-dieu-phien-dien-ve-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-a420038.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm