
Sáng 24/4, tại TPHCM đã diễn ra lễ khánh thành Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Đây là một trong những công trình chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức có quy mô 1.000 giường chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại. Đây là dự án nhóm A, công trình cấp 1 có tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng, trên diện tích sử dụng đất hơn 58.000m2.

Khối công trình chính có 1 tầng hầm và 10 tầng nổi, được bố trí đầy đủ khoa phòng chức năng theo tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng 1 cung cấp dịch vụ y tế chuyên sâu đa dạng.
Đi kèm là sự đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tiên tiến và cảnh quan, không gian rộng rãi nhằm tạo cảm giác an toàn, thoải mái, thư giãn cho người bệnh, người nuôi bệnh và đội ngũ y tế để cống hiến, phục vụ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp TPHCM (Ban DDCN), đây là dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, nên các giải pháp bố trí tổng mặt bằng, dây chuyền sử dụng, ngăn chia không gian, chất lượng đầu tư công trình… tương ứng như một bệnh viện quốc tế thực thụ, giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại của những công trình y tế cổ truyền được xây dựng từ lâu đời và thường xuyên cải tạo chắp vá.

Công trình được thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, sự thay đổi của nhiều điều kiện và các yếu tố về cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm hoàn thành công trình để góp phần sớm đưa TP Thủ Đức vươn mình phát triển, công trình đã được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng sau hơn 3 năm tính từ lúc khởi công.

Tiến sĩ, bác sĩ Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 3.500 lượt khám chữa bệnh, thực hiện 35-55 ca mổ. Trong đó, 50% lượng bệnh nhân nội trú, ngoại trú và phẫu thuật là người dân ở các tỉnh lân cận đến.
Với định hướng từ lãnh đạo ngành y tế thành phố và sự nỗ lực của toàn thể nhân viên y tế, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã trở thành bệnh viện hạng 1, định hướng là đơn vị cấp cứu trọng điểm của khu vực Đông Bắc TPHCM.

Theo đó, bệnh viện đã nỗ lực phát triển mạnh chuyên ngành cấp cứu chấn thương, củng cố các chuyên khoa nền tảng như Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Nội khoa, Nhi khoa, Chẩn đoán hình ảnh… và còn phát triển kỹ thuật cao về can thiệp mạch máu.
Cách đây 2 tuần, lãnh đạo Sở Y tế đã tổ chức một cuộc họp và ký kết hỗ trợ của 7 bệnh viện tuyến cuối với Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, để giúp đơn vị nhanh chóng phát triển các chuyên khoa sâu.

Để thực hiện được các kỳ vọng và nhiệm vụ nêu trên, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã đề ra các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục phát triển các chuyên khoa sâu theo hướng mở rộng và đẩy mạnh về mảng điều trị cấp cứu, chấn thương. Thứ hai, cố gắng nắm bắt sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên.
Thứ ba, tập trung phát triển nội lực, xem đào tạo nguồn nhân lực là cốt lõi. Hiện tại, đơn vị đã đưa khoảng 20 bác sĩ về Viện Tim để học mổ tim hở, 6 bác sĩ về Bình Dân học tập về ngoại khoa, cũng như gửi nhiều nhân sự đến các Bệnh viện Nhi đồng 1, Gia Định, Chợ Rẫy… để học cả về chuyên môn lẫn quản lý nội bộ, quản lý trang thiết bị…

"Tòa nhà có diện tích rất rộng, chắc chắn chi phí vận hành hoạt động rất lớn. Do đó, bệnh viện phải tìm cách để phát triển một cách hợp pháp và hợp lý… Hy vọng với sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố cùng các bên liên quan, chúng tôi sẽ hoàn thành sự kỳ vọng của thành phố và nhân dân", lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức nói.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, ngành y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã tổ chức lại hệ thống các cơ sở y tế và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân một cách toàn diện nhất.
Minh chứng cụ thể nhất là trong 3 năm qua, các bệnh viện lớn đã hoàn thành xây dựng và hoạt động hết công suất như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhi đồng 1, Cụm y tế Tân Kiên…
Và đến hôm nay, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đã tiếp bước ngay sau Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, đưa vào khánh thành dịp kỷ niệm thống nhất đất nước có ý nghĩa hết sức to lớn.

Bà Tuyết đề nghị lãnh đạo Bệnh viện có kế hoạch sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất đã xây dựng, phục vụ cho người dân tốt hơn. Đồng thời, đề nghị đơn vị tập trung xây dựng đội ngũ y bác sĩ đáp ứng được nhiệm vụ ngành y tế đã giao; tiếp tục nghiên cứu, học tập để tự nâng cao năng lực quản lý, điều hành đúng quy định pháp luật.

"Đề nghị Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, để đảm bảo trong thời gian sớm nhất nơi này trở thành bệnh viện đa khoa hạng 1 hoàn chỉnh và trung tâm cấp cứu chuyên sâu theo định hướng của ngành.
Phải làm sao để nơi này giảm tải được cho các bệnh viện tuyến cuối của trung tâm thành phố…", bà Tuyết đề nghị.

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, bên cạnh các bệnh viện tuyến cuối đã ký kết hỗ trợ, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.
Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bệnh viện và chủ đầu tư dự án trong việc đấu thầu mua sắm, để nơi này sớm được trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại phục vụ chăm sóc người bệnh. Ông Thượng kỳ vọng, đơn vị sẽ là một trong những bệnh viện chủ lực trong cụm y tế chuyên sâu thứ 3 của thành phố.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-co-them-benh-vien-1900-ty-dong-mung-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-20250424123316598.htm
Bình luận (0)