Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tranh cãi quanh vụ "ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng"

(NLĐO)- BHMedia cho rằng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu phí chồng phí vụ "ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng".

Người Lao ĐộngNgười Lao Động27/05/2025

Ngày 27-5, Công ty BHMedia đã có cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí liên quan đến tranh cãi bản quyền vì "ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng" trong thời gian gần đây.

BHMedia: VCPMC đang "thu phí chồng phí"

BHMedia phản ánh việc từ tháng 4-2025, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tiến hành chặn (block) nhiều video nhạc cách mạng trên nền tảng YouTube với mục đích yêu cầu chủ sở hữu video phải đóng thêm tiền bản quyền.

Tranh cãi quanh vụ "ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng"- Ảnh 1.

Video "Đoàn vệ quốc quân" trên kênh YouTube do BHMedia sở hữu bị chặn. Ảnh chụp màn hình

BHMedia cho rằng đây là các video đã được YouTube chi trả tiền bản quyền thông qua hệ thống CMS (Content Management System). Trên hệ thống, VCPMC đã xác nhận quyền sao chép (MR) và quyền truyền đạt (PR) trên video "Đoàn vệ quốc quân".

Hệ thống này tự động phân phối doanh thu từ YouTube cho các tổ chức đại diện quyền.

Tuy nhiên, VCPMC không công bố đã nhận được tiền MR từ YouTube, trong khi vẫn yêu cầu các chủ kênh nộp thêm khoản tiền này để tiếp tục khai thác video. Sau 1-2 năm, VCPMC tiếp tục yêu cầu đóng thêm phí MR để được gia hạn bản quyền.

Theo quan điểm của BHMedia, việc thu tiền theo cách này là thu chồng phí, tạo gánh nặng cho các nhà sản xuất nội dung, đẩy chi phí sản xuất tăng lên, khiến các đơn vị phát hành không còn mặn mà sử dụng các tác phẩm thuộc quản lý của VCPMC. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chính các tác giả đã ủy quyền cho trung tâm.

BHMedia cũng cho rằng mô hình hiện nay của VCPMC khác với thông lệ quốc tế. Hiện các tổ chức đại diện quyền như PRS for Music (Anh), GEMA (Đức), ASCAP (Mỹ)… sau khi ký thỏa thuận với YouTube sẽ không chặn hay yêu cầu trả thêm tiền ngoài hệ thống.

"Mối quan hệ giữa tác giả với các nhà sản xuất, phát hành là mối quan hệ cộng sinh". Bởi nếu không có các nhà sản xuất và đơn vị phát hành thì các tác phẩm âm nhạc sẽ không đến được với công chúng, cũng không thể tạo ra doanh thu tác quyền" - đại diện BHMedia phân tích. Đồng thời, dẫn chứng mô hình hiện đại đang được áp dụng trong âm nhạc quốc tế, khi các nghệ sĩ và tác giả không chỉ cho phép mà còn khuyến khích các bên sản xuất tạo ra các bản cover, remix, phiên bản phái sinh để bài hát lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nhờ vậy, tác giả được hưởng lợi từ việc bài hát có mặt rộng rãi trên nền tảng số.

BHMedia cho rằng YouTube đã xây dựng một hệ sinh thái minh bạch, cho phép xác nhận quyền qua CMS, phân phối tự động dòng tiền, khuyến khích sự sáng tạo và chia sẻ. Tuy nhiên, cách làm hiện nay của VCPMC đang cản trở quá trình đó.

Công ty này cũng cho rằng việc VCPMC liên hệ với từng cá nhân để đòi thêm tiền tác quyền không chỉ trái quy định của nền tảng YouTube mà còn trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Theo điểm a, khoản 3, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, các chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này. Ví dụ như sao chép video đăng lên YouTube chỉ nhằm mục đích phát video (truyền đạt tác phẩm) cho khán giả xem trên YouTube.

VCPMC khẳng định BHMedia đang hiểu sai

Phản hồi những thông tin BHMedia đưa ra, VCPMC khẳng định BHMedia đang hiểu sai và áp dụng không đúng quy định pháp luật về quyền tác giả.

Theo VCPMC, hành vi sao chép để đăng tải và khai thác thương mại các tác phẩm trên nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook… không thuộc trường hợp được miễn xin phép theo điểm a khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 2 Điều 20 của Luật.

Cụ thể, để được xem là "sao chép chỉ để thực hiện quyền khác", hành vi sao chép phải đáp ứng hai điều kiện bắt buộc: Mục đích sao chép nhằm thực hiện một quyền khác theo quy định của Luật; chủ thể thực hiện hành vi sao chép phải đồng thời là người thực hiện quyền khác đó.

Theo VCPMC, trong trường hợp khai thác thương mại trên YouTube, hai chủ thể riêng biệt cùng tham gia vào quá trình sử dụng quyền: Người đăng tải (chủ kênh) là người thực hiện quyền sao chép, khi tạo bản sao kỹ thuật số để lưu trữ trên hệ thống; nền tảng YouTube là bên thực hiện quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng thông qua hạ tầng kỹ thuật của mình.

Do hai chủ thể thực hiện hai quyền khác nhau, nghĩa vụ xin phép và trả phí bản quyền không thể được coi là một hành vi thống nhất để hưởng miễn trừ. Vì vậy, việc BHMedia cho rằng hành vi sao chép của mình được miễn xin phép là không đúng quy định.

VCPMC cho biết đã báo cáo vụ việc đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Nguồn: https://nld.com.vn/tranh-cai-quanh-vu-ngan-chan-pho-bien-ca-khuc-cach-mang-196250527195940986.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm