Thanh long là một trong số những mặt hàng trái cây được xuất nhiều vào Mỹ
Nhiều chuyên gia nhận định Mỹ đang và vẫn sẽ là thị trường lớn của Việt Nam, còn nhiều dư địa để khai thác.
Không vì thuế mà buông trôi thị trường Mỹ
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam vào Mỹ đạt 8,8 tỉ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch cả ngành.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm gần 70% trong tổng kim ngạch. Do đó, dù đang hoãn áp thuế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá thận trọng.
"Cần có giải pháp để giữ thị trường, bởi với việc chiếm gần 70% tổng kim ngạch, nếu doanh nghiệp khối FDI rút khỏi Việt Nam sẽ gây ra những tác động không mong muốn lên toàn ngành".
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20/4, ông Trần Văn Hiệp, phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, cho biết dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong vài năm qua nhưng hiện Mỹ vẫn là thị trường lớn của ngành điều với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng gần 1,1 tỉ USD, chiếm hơn 21% trong tổng kim ngạch.
"Trong hơn 60 quốc gia ngành điều Việt Nam xuất khẩu, chúng tôi đánh giá dù có những khó khăn về vấn đề thuế nhưng Mỹ khả năng vẫn sẽ là thị trường lớn, nhu cầu đa dạng. Do đó bằng mọi giá phải cố gắng giữ thị trường này, làm sao xuất khẩu nhiều nhất trong khả năng", ông Hiệp đánh giá.
Tương tự, gốm là ngành nghề sản xuất lâu đời. Ông Vương Siêu Tín, phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết chỉ riêng thị trường Mỹ hiện đã chiếm khoảng 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gốm của Bình Dương, đặc biệt có nhiều đối tác lớn với lượng nhập khủng trong nhiều năm.
Theo ông Tín, Mỹ đã tăng áp thuế đối với đồ gốm sứ nhập từ Việt Nam từ 6% trước đó hiện nay lên 16% nhưng mức thuế suất này cơ bản vẫn chấp nhận được.
"Mỹ luôn là thị trường lớn của không chỉ riêng ngành đồ gốm sứ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Là sản phẩm ít chịu sự cạnh tranh từ các thị trường và cũng ít bị Mỹ điều tra, ngành gốm sứ kỳ vọng có được mức thuế tốt", ông Tín đánh giá.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực rau quả cho biết với nhiều sản phẩm được xuất chính ngạch sang Mỹ, trong đó riêng trái cây có bảy mặt hàng, xuất khẩu vào thị trường này chiếm 9 - 10% tổng kim ngạch toàn ngành, là thị trường lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam xác nhận ngành rau quả có thêm những khó khăn nhất định như việc Mỹ dự kiến đưa ra mức áp thuế cao đối với Việt Nam, nhưng các nước có nhiều sản phẩm tương đồng như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... lại chịu mức thuế thấp hơn nhiều, điều này khiến chúng ta khó cạnh tranh hơn.
Mỹ vẫn đang là thị trường lớn của ngành hạt điều Việt Nam (Ảnh: N.TRÍ)
Nhiều giải pháp ngắn và dài hạn
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20/4, ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong tháng đầu năm đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhận định đây là thị trường lớn và nhiều dư địa phát triển, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp.
Theo ông Bình, gần đây hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc họp để ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, các giải pháp để kiến nghị lên Nhà nước.
"Ngoài đa dạng thị trường, mỗi doanh nghiệp tự có giải pháp riêng, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Nhà nước về hỗ trợ để xúc tiến thêm thị trường mới, hỗ trợ về thuế, lãi suất ngân hàng, kéo dài thời gian vay vốn... để trường hợp doanh nghiệp gặp trục trặc đầu ra còn có tài chính để xoay xở", ông Bình nói.
Ngoài giải pháp dài hạn, ông Bình cho biết có nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ làm việc với đối tác để tăng lượng xuất hàng trong hạn 90 ngày hoãn áp thuế, để tránh tồn kho, tránh bị áp thuế cao nếu không đàm phán được.
Tương tự nhiều doanh nghiệp ngành điều cho biết đang đẩy mạnh lượng xuất để tranh thủ tận dụng hạn 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế, sớm giải phóng hàng để tránh bị tồn.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết lượng hạt điều xuất vào Mỹ từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và có thể duy trì đà tăng này đến khoảng giữa tháng 7 (thời điểm hết hạn 90 ngày hoãn áp thuế - PV).
Từ góc độ hiệp hội, ông Trần Văn Hiệp cho biết nhiều mặt hàng nông nghiệp được Nhà nước ưu tiên đàm phán với Chính phủ để có được mức thuế có thể thấp nhất, nhưng về lâu dài các doanh nghiệp cũng tự cứu lấy mình trước.
"Hiệp hội đang tất bật hỗ trợ doanh nghiệp đi tìm thị trường khác, đặc biệt sắp tới sẽ đi Úc để xúc tiến xuất hàng vào quốc gia này.
Ngoài ra thị trường mới nổi như Nhật, châu Âu... cũng sẽ được chú trọng khai thác. Thị trường Trung Quốc chủ yếu mua hạt điều vỏ lụa, loại hạt to... cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng khai thác mạnh hơn trong thời gian tới".
Ông Hiệp lưu ý, việc đa dạng thị trường đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đa dạng sản phẩm để phù hợp thị hiếu riêng lẻ. Riêng đối với ngành điều, hiện sản phẩm được chế biến sâu chỉ chiếm chưa tới 10% kim ngạch xuất khẩu, nên mặt hàng này đang được nhiều doanh nghiệp nhập dây chuyền máy móc về để đẩy mạnh sản xuất thêm.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đang khẩn trương tìm nguồn cung nguyên liệu giá tốt, cơ cấu giá thành để tăng yếu tố cạnh tranh; tính toán, rà soát lại mã ngành, mã hàng để đẩy mạnh sản xuất các mã có khả năng được Mỹ ưu đãi thuế quan; tìm kiếm thị trường mới, mở rộng xuất khẩu sang thị trường còn dư địa nhiều như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu...
"Thực tế không phải sản phẩm đồ gỗ và lâm sản nào của Việt Nam cũng bị Mỹ đánh thuế như nhau, chẳng hạn xuất khẩu mạnh nhất vào Mỹ là đồ nội thất thì cũng có những mã hàng sẽ được ưu đãi lớn về mức thuế", vị này lý giải./.
Áp lực thuế cũng là áp lực thay đổi Nhìn mặt tích cực, ông Vương Siêu Tín cho rằng việc bị áp thuế là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt liên tục, nên dù khó khăn nhưng đây cũng có thể xem là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại nội lực, rà soát, thay đổi sản xuất cho phù hợp, hiệu quả, tăng tính cạnh tranh. "Đối với đồ gốm sứ, việc Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh mức áp thuế lẫn nhau, xét về mặt tích cực thì vẫn có khả năng thêm khách hàng Mỹ rời bỏ thị trường Trung Quốc để sang nhập hàng từ Việt Nam, đặc biệt những sản phẩm không nhiều nước sản xuất được", ông Tín nhận định. |
Theo Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/tranh-thu-my-hoan-ap-thue-doanh-nghiep-viet-dua-them-giai-phap-2025042100282496.htm
Nguồn: https://baolongan.vn/tranh-thu-my-hoan-ap-thue-doanh-nghiep-viet-dua-them-giai-phap-a193858.html
Bình luận (0)