Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Triển vọng từ giống cà phê trái vụ ở Ea Riêng

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cà phê truyền thống kém hiệu quả sang tái canh giống trái vụ đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người dân xã Ea Riêng, nơi có khí hậu khắc nghiệt.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk22/07/2025

Xã Ea Riêng nằm ở vùng giao thoa giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, mang đặc trưng khí hậu biến động, thường xuyên có sương muối, mưa trái mùa, nhất là vào giai đoạn cây cà phê ra hoa, kết trái. Đây là nguyên nhân khiến năng suất cà phê truyền thống tại địa phương nhiều năm sụt giảm, đời sống người dân gặp không ít khó khăn.

Nhận diện rõ những bất lợi do điều kiện thời tiết gây ra, Công ty TNHH MTV Cà phê 715A (gọi tắt là Công ty 715A - doanh nghiệp nhà nước đóng chân trên địa bàn) đã bắt tay tìm hướng đi mới. Năm 2018, Công ty phối hợp cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, ngành nông nghiệp huyện M’Drắk (cũ) và chính quyền địa phương khảo sát, thử nghiệm hai giống cà phê trái vụ TR14, TR15.

án bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Cà phê 715A (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc cà phê.

Khác biệt lớn nhất của hai giống này là thời gian ra hoa muộn hơn khoảng 1,5 tháng so với các giống truyền thống, giúp “né” được giai đoạn sương muối và mưa trái mùa. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy cây phát triển mạnh, tỷ lệ đậu quả cao, khả năng thích nghi tốt với khí hậu địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, Công ty 715A đã tái canh hơn 125 ha bằng giống TR14 và TR15. Song song đó, đơn vị còn đưa vào trồng hơn 22 ha cà phê mít - loại cây có khả năng chịu hạn tốt, chất lượng hạt ổn định. Vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2024 cho năng suất từ 4 - 5 tấn nhân/ha, gấp đôi so với giống cũ. Đặc biệt, chất lượng hạt đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra cơ hội mới cho thương hiệu cà phê Ea Riêng.

Không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, thành công của mô hình tái canh cà phê trái vụ ở Ea Riêng còn là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa “3 nhà”: doanh nghiệp - nông dân - chính quyền địa phương.

Gia đình ông Đặng Văn Vượt (thôn 2, xã Ea Riêng) hiện đang canh tác gần 9 sào cà phê liên kết với Công ty 715A. Trước đây, năng suất thấp khiến ông chật vật trang trải cuộc sống. Niên vụ vừa qua, sau khi hoàn thành nghĩa vụ khoán, ông vẫn thu được hơn 3 tấn cà phê nhân, tăng gần gấp ba so với trước. Tin tưởng hiệu quả từ giống mới, ông Vượt đã mạnh dạn tái canh toàn bộ hơn 1 ha cà phê của gia đình bằng giống TR14. “Cây khỏe, trái nhiều và đều. Nếu chăm tốt, năng suất còn cao hơn nữa. Trước kia trồng cà phê như đánh bạc với trời, giờ thì yên tâm hơn nhiều”, ông Vượt nói.

Không chỉ người dân, việc thay đổi giống cà phê mới đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty 715A cho biết, từ khi chuyển sang giống mới, năng suất tăng, giá cà phê ổn định, đời sống hàng trăm hộ nhận khoán cũng dần cải thiện. Ngoài diện tích liên kết, doanh nghiệp còn hỗ trợ người dân khác trong xã về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác, khuyến khích bà con nhân rộng diện tích cà phê tái canh trên địa bàn; đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu đồng bộ, chất lượng, giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, mở rộng thị trường kinh doanh.

Ông Đặng Văn Vượt (thôn 2, xã Ea Riêng) chăm sóc cà phê sau tái canh.

Theo ông Tô Minh Mại, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Riêng, địa phương hiện có khoảng 2.770 ha cà phê, trong đó khoảng 1.000 ha thuộc quyền quản lý của 3 công ty: 715A, 715B, 715C. Phần lớn diện tích đã được người dân tái canh sang giống TR14, TR15 và cà phê mít. “Từ chỗ chật vật, loay hoay với đủ các loại cây trồng như hồ tiêu, bơ, mít, cà phê giống cũ…, không mấy hiệu quả vì thời tiết bất lợi, nay người dân xã Ea Riêng đã yên tâm với giống mới. Cây phù hợp khí hậu lại được doanh nghiệp đồng hành từ giống đến đầu ra nên bà con rất yên tâm. Chính quyền cũng vào cuộc tích cực, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chính sách. Hiệu quả thực tế đã chứng minh hướng đi này là đúng đắn”, ông Mại cho hay.

Cùng với nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, chính quyền địa phương đang tập trung quy hoạch vùng trồng cà phê bền vững, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, sản lượng cho chế biến và xuất khẩu. Hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn xã cũng đã tính đến phương án đầu tư nhà máy chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu thô.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc chuyển đổi từ cà phê truyền thống sang giống trái vụ với sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” là cách làm nông nghiệp chủ động, thích ứng và bền vững.

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/trien-vong-tu-giong-ca-phe-trai-vu-o-ea-rieng-afc12e8/


Chủ đề: cà phê

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm