Đường dây này đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật cùng các thủ đoạn tinh vi nhằm quảng bá, phân phối một lượng sữa giả cực lớn trong thời gian khoảng 4 năm, doanh thu lên đến 500 tỷ đồng. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn phẫn nộ vì 573 nhãn hiệu sữa bột giả do đường dây này sản xuất chủ yếu dành cho trẻ sinh non, trẻ sinh thiếu tháng, phụ nữ mang thai, người bệnh suy thận, người bệnh tiểu đường.
Biên tập viên Quang Minh từng đưa cả các con mình làm dẫn chứng trong video quảng cáo sữa HIUP. Ảnh chụp từ video quảng cáo |
Không thể diễn tả hết mức độ bất nhân của những người vừa bị bắt giữ khi chủ đích sản xuất, kinh doanh sữa giả cho những nhóm người tiêu dùng có thể trạng yếu ớt và dễ bị tổn hại nhất. Để thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, các đối tượng ấy đã đưa không biết bao người già, trẻ em, người bệnh… vào nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cùng các vi chất quan trọng cho những giai đoạn cần được chăm sóc đặc biệt; chưa kể đến tác hại của các chất phụ gia mà nhóm đối tượng này đưa vào sữa giả. Hậu quả của việc sử dụng sữa giả có thể gây tác động lâu dài đến sức khỏe, thể trạng và kể cả tính mạng của những người lỡ tin dùng sản phẩm.
Hàng loạt nguyên nhân khiến cho các sản phẩm sữa giả tồn tại trên thị trường đã được mổ xẻ. Trong đó, dư luận rất quan tâm đến vai trò của những người có uy tín, danh tiếng nhất định từng xuất hiện trong các video quảng bá doanh nghiệp, quảng cáo các nhãn hiệu sữa giả của hai công ty nêu trên.
Có thể điểm qua một vài cái tên như diễn viên Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh quảng cáo cho dòng sữa Cilonmum của Rance Pharma; TS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong video quảng cáo sữa Talacmum, Bold Milk của Hacofood Group; PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong video quảng cáo nhà máy và sữa của Hacofood Group…
Trước hàng loạt câu hỏi của dư luận, người chọn cách im lặng, người thì trả lời với báo chí rằng “bị lợi dụng”, người lại cho rằng chỉ dựa vào việc sản phẩm đã được cấp phép cùng các thành phần dinh dưỡng được công bố để đưa ra tư vấn phù hợp mà thôi!
Bà Lê Thị Hải trong video quảng cáo Bold Milk - một loại sữa trong đường dây sữa giả. Ảnh chụp từ video quảng cáo |
Trong tâm điểm của 573 nhãn hiệu sữa giả mang mác “đạt chuẩn quốc tế” ấy, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng quảng cáo thổi phồng, sai sự thật cho các sản phẩm sữa trước đây tiếp tục bị nhắc tên như MC Quyền Linh, MC Cát Tường quảng cáo "sữa trị tiểu đường", "sữa xương khớp"; diễn viên Cao Minh Đạt quảng cáo "sữa non giúp hết mất ngủ"...
Trong đó, "phản ứng dây chuyền” mạnh mẽ nhất là hình ảnh của biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo trong các video quảng cáo nhãn hiệu sữa HIUP của Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam. Hai nhân vật khá nổi tiếng này bị dư luận chỉ trích vì đã nhiều lần mang chính con cái của mình ra làm minh chứng khẳng định sữa HIUP giúp trẻ tăng chiều cao vượt trội hay tăng chiều cao từ 3 - 5 cm trong vòng 3 tháng cùng nhiều ngôn từ có tính thổi phồng công dụng khác.
Đáng nói, doanh nghiệp sản xuất từng bị xử phạt vào tháng 3/2024 cho hành vi quảng cáo sản phẩm HIUP không phù hợp nội dung đã được cơ quan chức năng phê duyệt, bị buộc cải chính thông tin và gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm. Tuy nhiên, các video quảng cáo vẫn nhan nhản trên mạng xã hội cho đến những ngày gần đây.
Một trường hợp quảng cáo từng gây ồn ào vào giữa tháng Ba vừa qua là việc vợ cầu thủ Quang Hải với tài khoản mạng xã hội có hàng triệu người theo dõi đã cho con trai 8 tháng tuổi sử dụng loại “sữa mát” giúp bé hấp thụ tốt, bụ bẫm. Tuy nhiên, sản phẩm ấy thực chất là loại nước uống bổ sung lợi khuẩn, khoáng chất và sử dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Khi bị lật tẩy, nhiều người đã chỉ trích gay gắt bà mẹ này và cho rằng cô lợi dụng cả hình ảnh của con mình để đưa ra một thông tin quảng cáo sai lệch, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Có thể thấy, sữa là một dạng thực phẩm bổ sung được ưu tiên sử dụng cho trẻ em, người già, người bệnh... Trước hàng vạn nhãn hiệu sữa có mặt trên thị trường, việc người nổi tiếng, người có uy tín đứng ra quảng cáo, giới thiệu hoặc chia sẻ trải nghiệm về sản phẩm có tác động rất lớn đến quyết định lựa chọn sữa của người tiêu dùng. Chỉ mong rằng, bất kỳ ai nhận hợp đồng quảng cáo cho sữa cũng như các sản phẩm dinh dưỡng khác, cần tường minh về trải nghiệm, trung thực về thông tin để không tiếp tay cho sữa giả, sữa kém chất lượng hoặc khuyến cáo sử dụng sai đối tượng, sai tên gọi của sản phẩm không phải là sữa. Xin đừng để lương tri bị che mờ bởi thù lao hay lợi nhuận có được từ việc mua bán... lòng tin!
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202504/tu-hop-sua-den-luong-tri-8cf1ae7/
Bình luận (0)