Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người

NDO - Từ kháng chiến đến hội nhập, mỗi tác phẩm của văn học nghệ thuật Cần Thơ là một lát cắt đầy cảm xúc, khắc họa rõ nét hơi thở ngọt ngào của miền sông nước, và bền bỉ tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân30/04/2025

Gắn bó với đất, đồng hành cùng dân

Từ thuở sơ khai, trên những cánh đồng phù sa Cửu Long, văn học nghệ thuật Cần Thơ đã nảy mầm, bén rễ sâu vào lòng người. Những tên tuổi như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, hay nhạc sĩ Lưu Hữu Phước… chính là những viên gạch nền đầu tiên, đặt móng cho truyền thống văn học nghệ thuật hào sảng, giàu lòng nhân nghĩa của vùng đất Tây Đô.

Trong những năm tháng kháng chiến, từng vần thơ, từng làn điệu cải lương, câu hát như “Hùng thay Tầm Vu”, “Người con gái đất đỏ” đã trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc lớp lớp người dân đứng lên giữ nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, hòa trong niềm vui đại thắng, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… miệt mài phản ánh cuộc sống lao động, xây dựng quê hương, từ những gian khó ban đầu cho đến thời kỳ đổi mới hôm nay. Những áng văn, trang thơ, khúc nhạc đã làm bật lên cốt cách con người Cần Thơ: nghĩa tình, năng động và sáng tạo.

Không chỉ dừng lại ở sáng tác, nền văn học nghệ thuật miền sông nước này còn là nhịp cầu nối cộng đồng, gắn bó sâu sắc với đời sống dân sinh. Từ phong trào văn nghệ quần chúng “tự biên tự diễn” sôi nổi sau năm 1975, đến những cuộc triển lãm, đêm thơ định kỳ hằng năm, văn học nghệ thuật đã len lỏi vào từng xóm ấp, thắp sáng niềm vui, khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước.

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (2004), lúc này Cần Thơ bước vào giai đoạn phát triển mới: cơ sở hạ tầng văn hóa được đầu tư, các hội chuyên ngành được củng cố, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học, âm nhạc đều có bước tiến dài. Những cuộc thi, trại sáng tác, triển lãm chuyên đề… đã tạo điều kiện để nghệ sĩ giao lưu, lan tỏa tác phẩm đến công chúng trong và ngoài nước.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 1
Đại biểu tham quan Triển lãm “Văn học, nghệ thuật Cần Thơ - Chặng đường 50 năm”.

Và trong những ngày tháng tư lịch sử, cùng với cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ tiếp tục thực hiện sứ mệnh “mặt trận văn hóa” với nhiều phong trào sáng tác, phát hành ấn phẩm mới…

Nổi bật là Triển lãm “Văn học, nghệ thuật Cần Thơ-Chặng đường 50 năm” (4/2025), hay tham gia Triển lãm “Bản hùng ca Xuân 1975” do Thư viện thành phố Cần Thơ tổ chức. Tại đây, có hàng trăm tác phẩm của những hội viên gạo cội được trưng bày ở hai chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975-Những sự kiện lịch sử” và “Cần Thơ-21 năm chống Mỹ, cứu nước”.

  • Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 2
Nhiều ấn phẩm của các hội chuyên ngành tham gia Triển lãm “Bản hùng ca Xuân 1975” do Thư viện thành phố Cần Thơ tổ chức.

Trong không gian trưng bày trang trọng, mỗi kỷ vật như lặng lẽ kể lại những câu chuyện lớn của một thời. Khoảnh khắc đứng trước cây đờn kìm của soạn giả Điêu Huyền, dường như ta nghe vang vọng tiếng lòng đất nước.

Nhắc về soạn giả Điêu Huyền - người con tài hoa của quê hương Nhơn Nghĩa, chúng ta không quên những vở cải lương kinh điển của ông, như: “Giọt máu lạc hồng”, “Tiếng hò sông Hậu”, “Tìm lại cuộc đời”… Những vở diễn ấy không chỉ lay động trái tim khán giả một thời, mà còn trở thành ký ức không phai của nền sân khấu cải lương Nam Bộ.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 3

Soạn giả Điêu Huyền (thứ hai, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các anh chị em trong gia đình. (Ảnh: chụp lại)

Nếu âm thanh đờn kìm gợi nhắc những khúc ca hào hùng, thì ở một góc trưng bày khác, chân dung của cố họa sĩ Tô Dự cùng những bức tranh của ông lại trầm tư kể về những trang sử chói lọi của quê hương.

Họa sĩ Tô Dự là một trong những hội viên đầu tiên của nền văn học nghệ thuật Cần Thơ, cánh chim đầu đàn "kể sử bằng tranh". Ông có nhiều tác phẩm để đời, sống động và ấn tượng là những bức tranh lịch sử “Cảng Cần Thơ mới giải phóng”, “Ngày giải phóng miền nam”… Bằng tài năng và tấm lòng son, họa sĩ Tô Dự góp phần định hình diện mạo mỹ thuật Cần Thơ: đậm chất sử thi, nhưng vẫn bình dị, chân thành như chính mảnh đất này.

Cũng tại đây, những hiện vật như tranh, tượng, ảnh, thiết bị tuyên truyền… gợi lên những ký ức sâu sắc và tự hào. Nhất là đối với những bậc cao niên, từng sống, hoạt động, chiến đấu trên mặt trận văn hóa năm xưa.

Những trang thơ viết trong khói lửa, những nốt nhạc nắn nót dưới ánh trăng mờ, sân khấu tạm bợ, nơi nghỉ ngơi đôi khi chỉ là đống rơm, cái võng mắc bên chuồng trâu… Một miền ký ức sống dậy, họ bảo nhau thành tựu hôm nay không dễ dàng có được.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 4
Đại biểu chụp hình lưu niệm với Hội viên Hội Sân khấu thành phố Cần Thơ tại Triển lãm “Văn học, nghệ thuật Cần Thơ-Chặng đường 50 năm”.

“Gian khổ, thiếu thốn trăm bề... Lúc bấy giờ, chỉ cần một ly nước chanh để thấm giọng cũng là một nhu cầu xa xỉ. Nỗi nhớ gia đình, nhất là nhớ con nhỏ cũng phải nén lòng, không hề than vãn”, Nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh bồi hồi chia sẻ.

Giữ vững hồn quê, sáng tạo cùng thời đại mới

Qua hơn nửa thế kỷ, văn học nghệ thuật Cần Thơ không ngừng lớn mạnh cùng mạch sống của thành phố bên dòng sông Hậu, từ vùng đất còn nồng mùi khói bom sau ngày giải phóng đến một đô thị hiện đại của miền Tây Nam Bộ. Mỗi giai đoạn phát triển đều in đậm dấu ấn những người làm văn nghệ, thủy chung gìn giữ hồn đất, tình người.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 5
Các ấn phẩm mới của Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ.

Thành tựu ghi nhận rõ qua 242 giải thưởng các cấp, trong đó có 10 Huy chương vàng quốc tế, 12 Huy chương vàng toàn quốc, và nhiều tác phẩm đạt giải cao ở đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thành phố có 18 Nghệ nhân ưu tú, 1 Nghệ nhân nhân dân, 2 Nghệ sĩ nhân dân và 9 Nghệ sĩ ưu tú.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ, ông Nguyễn Thành Kiên cho biết: Từ Hội Văn nghệ Giải phóng, thành lập năm 1966, đến nay là Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ Cần Thơ không ngừng lớn mạnh. Nếu những năm đầu chỉ có vài chục hội viên, thì nay đã tăng lên 646 hội viên, với 10 hội chuyên ngành, trong đó có 243 hội viên Trung ương và 250 đảng viên.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 6

Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ Nguyễn Thành Kiên bên bài ca cổ "Vòng Cung ngày trở lại".

Trên nền đất phù sa nơi dòng Hậu Giang lặng lẽ trôi, văn học nghệ thuật Cần Thơ tâm huyết, bền bỉ gieo trồng những thửa ruộng văn chương. Việc kiên trì ra mắt sách tập thể là một thí dụ.

Qua đó, nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn đậm nét, như tập du ký của nhà văn Đặng Hoàng Thám, với những ghi chép sâu sắc về vẻ đẹp thiên nhiên và con người phương Nam; tập tản văn “Tiếng vọng ký ức” của nhà văn Lê Xuân, giúp chúng ta hồi niệm về những năm tháng lịch sử; còn “Chuyện tình Thi Đa” của Dũng Trần, lại lắm dung dị với cuộc sống đời thường của con người miền Tây.

Từ phong trào này, Hội Nhà văn Cần Thơ có thêm nhiều tác giả trẻ đầy triển vọng, điển hình như Phạm Khánh Duy, với 14 tác phẩm văn học, 3 công trình nghiên cứu và hàng trăm bài báo. Sự đóng góp của anh đã làm tươi tắn văn học Cần Thơ, đồng thời phản ánh quá trình đổi mới, hội nhập mạnh mẽ trong bối cảnh văn hóa đọc đang thay đổi.

Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ, nhà văn Nguyễn Trung Nguyên khẳng định: “Có thể nói chúng tôi làm được điều chưa nơi nào làm. Với bốn lần ra mắt sách tập thể, chúng tôi có thêm hàng trăm tác phẩm mới, chất lượng ngày càng nâng cao”.

Trong giai đoạn đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19, văn học nghệ thuật Cần Thơ vẫn không ngừng sáng tạo và phát triển. Khi xã hội phải giãn cách, các nghệ sĩ đã nhanh chóng thích nghi với phương thức biểu diễn, sáng tác mới, từ triển lãm trực tuyến đến tuyên truyền qua mạng xã hội. Nhờ đó, họ tiếp tục mang đến những tác phẩm ấn tượng, góp phần duy trì sự gắn kết cộng đồng và lan tỏa tinh thần lạc quan, đoàn kết trong xã hội.

Riêng Hội Âm nhạc Cần Thơ đã có khoảng 30 ca khúc được phổ biến rộng rãi qua các hình thức dàn dựng biểu diễn, thu âm, quay video và phát sóng trên các kênh số. Một trong những tác phẩm tiêu biểu là “Cần Thơ rồi lại vui” của nhạc sĩ Thế Long, được chọn mở đầu cho chương trình khai giảng trực tuyến năm học mới (2021) của thành phố.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 7
Nhạc sĩ Thế Long bên tác phẩm "Cần Thơ rồi lại vui".

Nói về ca khúc của mình, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ, nhạc sĩ Thế Long trải lòng: “Cần Thơ rồi lại vui” không chỉ là một bài hát, mà tôi muốn gởi gắm niềm tin ở tương lai, trong đó có Cần Thơ quê hương tôi sẽ thoát khỏi đại dịch Covid-19, cuộc sống sẽ trở lại bình yên. Qua đó cũng là lời tri ân với những người đã hy sinh thầm lặng trong công tác chống dịch".

Cải lương và đờn ca tài tử - hai di sản quý báu của Nam Bộ gìn lòng phát triển qua từng năm tháng, trở thành điểm sáng rực rỡ trong đời sống văn hóa nghệ thuật, làm ấm lòng người mộ điệu Cần Thơ.

Và giờ đây, với những chương trình đổi mới như “Dạ cổ Cầm Thi”, hoạt động đờn ca tài tử cuối tuần tại Chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều…, Cần Thơ không chỉ giữ gìn hồn xưa, mà còn thổi thêm sức sống mới cho văn hóa bản địa, kết nối nghệ thuật với du lịch, đưa hồn quê lan tỏa vào nhịp sống hiện đại.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ: 50 năm gìn giữ hồn đất, tình người ảnh 8
Chương trình nghệ thuật định kỳ "Dạ cổ Cầm Thi" tại Nhà hát Tây Đô.

“Cải lương có thể lên xuống theo thời cuộc, nhưng tình yêu khán giả dành cho những câu vọng cổ ngọt ngào thì chưa bao giờ vơi cạn. Còn khán giả, chúng tôi tiếp tục ca hát, cống hiến.” Nghệ sĩ ưu tú Kiều Nga bày tỏ tâm huyết.

Những nốt nhạc âm thầm, những trang viết cháy lòng, tất cả tạo nên một Cần Thơ tiến bộ, nhân văn, chan hòa tình đất tình người. Và có những sáng tạo, dù giản dị hay đồ sộ, đều thấm đẫm tâm huyết yêu quê hương, hướng tới mục tiêu chung: giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa Cần Thơ trong dòng chảy văn hóa Việt Nam đương đại.

Hơn nửa thế kỷ, một chặng đường trưởng thành. Dẫu thực tiễn không ngừng chuyển động, còn đó những trăn trở, nhưng mỗi người vẫn thủy chung gắn bó. Bởi với họ, giữ nghề, bám nghiệp không chỉ để mưu sinh, mà còn là sứ mệnh gìn giữ tâm hồn vùng đất Tây Đô, vun trồng những giá trị đẹp đẽ cho thế hệ mai sau.

Nguồn: https://nhandan.vn/van-hoc-nghe-thuat-can-tho-50-nam-gin-giu-hon-dat-tinh-nguoi-post876335.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm