
Ngọn lửa nghề của một nghệ nhân
Có thể khẳng định rằng, đội ngũ chơi nhạc cụ dân tộc ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng nói riêng, cả miền Trung nói chung, khi nhắc đến nghệ nhân dân gian Nguyễn Châu (Tư Châu, SN 1907) tại làng Nghi An, Hòa Phát, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng… ai cũng biết. Nghệ nhân Nguyễn Châu mê tiếng trống, tiếng đàn cò từ nhỏ bởi được sinh ra ở một vùng đất có nhiều người giỏi nghề.
Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tập tành cầm dùi đánh trống và thụ giáo một nghệ nhân nổi tiếng của làng, đó là thầy Tư Nhàn. Ngày ấy, đội nhạc bát âm của làng Nghi An khá nổi tiếng. Những nghệ nhân như Tư Nhàn, Tư Nhiên, Tám Hùng… từng được trưng đi biểu diễn hòa tấu chào đón vua Khải Đình dạo chơi ở Hải Vân Quan, được vua khen tặng hết lời.
Sớm tinh thông các loại nhạc cụ dân tộc, tiếng tăm của Tư Châu dần vượt ra khỏi làng Nghi An, trở thành người truyền nghề kế tiếp của làng sau lớp nghệ nhân lão luyện. Ông phụ trách dàn nhạc của Hí trường Hòa Phát danh tiếng bấy giờ.
Sau năm 1975, gia đình Tư Châu là “lò” luyện nhạc công của cả Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức năm 1992, dàn nhạc gia đình ông đoạt huy chương bạc biểu diễn hòa tấu. Con trai ông, nhạc công Nguyễn Ninh mang về huy chương vàng với độc tấu đàn nhị tại Hội thi “Tài năng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc” tổ chức tại Đà Nẵng.
Với những đóng góp cho bộ môn nhạc cụ sân khấu và cho phong trào văn nghệ quần chúng, năm 2010, cùng lúc với nghệ nhân dân gian nổi tiếng Hà Thị Cầu, ông Nguyễn Châu vinh dự được phong tặng Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam.
Ông cũng chính là nghệ nhân sống qua 100 tuổi để còn được cầm trên tay những ghi nhận này. Để lại bao tiếc thương, lưu luyến cho gia đình và bao lớp nghệ nhân, học trò của mình, nghệ nhân Tư Châu trút hơi thở cuối cùng để về miền mây trắng vào ngày 19/6/2011.
Trao truyền qua các thế hệ
Có lẽ cố nghệ nhân dân gian Nguyễn Châu là người hạnh phúc bởi khi qua đời, con cháu trong gia đình vẫn tiếp tục gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị cổ cầm quý giá mà ông để lại. Con trai ông, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ninh, công tác ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, là một tay đàn nhị lão luyện.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, có lần khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của gia đình cụ Tư Châu đối với đoàn. Con trai cụ là Nguyễn Ninh và con dâu - Nghệ sĩ ưu tú Lê Phương Lan đã tiếp nối ngọn lửa nghề mà ông truyền lại, góp vào những vở diễn của đoàn những giai điệu cổ cầm đầy quyến rũ”.
Thật vậy, không chỉ có Nguyễn Ninh và vợ, các con trai, gái, dâu, rể… của nghệ nhân Nguyễn Châu như Nguyễn Thị Hồng Hiệp, Đoàn Ngọc Tám (chồng chị Hiệp), Nguyễn Lộc, Nguyễn Sáu, Nguyễn Hòa, Nguyễn Thị Lợi… đều chơi thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc. Đáng quý hơn, truyền thống ấy còn được các con ông truyền lại cho thế hệ kế tiếp trong gia đình.
Có thể kể đến việc giữ lửa nét đẹp truyền thống ấy ở gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Hiệp và anh Đoàn Ngọc Tám. Cả hai anh chị trước là diễn viên của Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng.
Chị Hiệp là nhạc công đàn tranh, ngón nghề mà nghệ nhân Nguyễn Châu truyền lại cho con gái luôn được gìn giữ và phát huy. Anh Đoàn Ngọc Tám vốn là diễn viên thuần túy, nhưng khi làm rể trong gia đình cụ Tư Châu, đã mê tiếng trống tiếng đàn của cha.
Anh Tám kể: “Mình là con rể, nhưng lại thường xuyên ở gần cụ. Ngày ấy, tiếng đàn, tiếng kèn của cụ luôn làm mình mê mẩn. Ban đầu chỉ biết nghe cái hay, cái luyến láy phát ra từ đôi tay tài hoa của cụ. Nhưng rồi không cầm lòng được, mình quyết định xin phép cụ cho theo học nghề…”.
Khi tái lập tỉnh, anh Đoàn Ngọc Tám theo đoàn ca kịch vào Quảng Nam tiếp tục công tác, chị Hiệp tạm nghỉ việc ở nhà. Điều đặc biệt, tiếp nối truyền thống gia đình, các con của anh chị như Đoàn Ngọc Vũ - đàn bầu và vợ là nghệ sĩ dân ca Đỗ Trinh cùng con trai nhỏ của mình tạo thành một lớp nghệ sĩ mới của đại gia đình, gặt hái được không ít thành công ở các hoạt động nghệ thuật không chuyên TP.Đà Nẵng. Con gái anh Tám và chị Hiệp là Đoàn Thị Hồng Trang hiện là diễn viên trẻ đầy tài năng của Đoàn Ca kịch Quảng Nam.
“Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc. Ông ngoại, các cậu, mợ, dì, dượng… và ba má, anh chị tôi đều là những ngọn lửa ấm nóng niềm đam mê âm nhạc dân tộc. Điều đó đã và đang từng ngày như sợi tơ óng ánh, dệt vào tâm hồn tôi những vấn vương khôn xiết với âm điệu cổ cầm…” - chị Trang chia sẻ.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/van-vuong-am-dieu-co-cam-3152209.html
Bình luận (0)