Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: Cần người dìu dắt

VĐV vốn dĩ chủ yếu tập trung vào chuyên môn nên sẽ khó lòng đảm bảo giữa việc tập luyện, thi đấu và xây dựng hình ảnh, khai thác thương mại. Lúc này, họ cần đến những người đại diện, nhà quản lý có tâm và có tầm.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên18/07/2025

RỦI RO LUÔN TIỀM ẨN

Một người đại diện hay nhà quản lý truyền thông chuyên nghiệp không chỉ cần hiểu sâu về chuyên môn thể thao và thương thảo hợp đồng, mà còn phải am hiểu luật quảng cáo, hình ảnh thương hiệu và chuẩn mực đạo đức công chúng. Sự thiếu cẩn trọng trong lựa chọn đối tác quảng cáo có thể khiến VĐV đối mặt với khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh cá nhân.

VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: Cần người dìu dắt- Ảnh 1.

Người đại diện phải nắm rõ nhiều quy định khác nhau, ví dụ như cầu thủ không được mặc áo đội tuyển VN khi đóng quảng cáo từ một nhãn hàng không tài trợ cho VFF

ẢNH: MINH TÚ

Từng là hai cầu thủ nổi bật và được yêu mến bậc nhất bóng đá VN, Công Phượng và Quang Hải đều vướng phải tranh cãi khi tham gia quảng cáo cho các thương hiệu bia. Thời điểm đó, các video quảng cáo của các cầu thủ này gây tranh cãi khi sử dụng hình ảnh không phù hợp, gây hiểu nhầm. Một ví dụ đáng chú ý khác là hậu vệ Vũ Văn Thanh, người từng tham gia quảng bá cho một nền tảng giao dịch quyền chọn nhị phân bị cảnh báo là có dấu hiệu lừa đảo. Video quảng cáo này sau đó bị gỡ bỏ khi làn sóng phản ứng dữ dội bùng lên. Văn Thanh có thể không trực tiếp biết rõ rủi ro pháp lý, nhưng nếu có một người đại diện chuyên nghiệp, anh hoàn toàn có thể được tư vấn để tránh sai lầm này.

Những ví dụ trên cho thấy vai trò của người đại diện không chỉ là thương thuyết quyền lợi, mà còn là "người gác cổng" bảo vệ hình ảnh VĐV khỏi các rủi ro truyền thông. Trong thời đại số, một sai lầm trên mạng xã hội có thể khiến công sức gây dựng tên tuổi suốt nhiều năm tan biến chỉ sau một cú click chuột. Đặc biệt, khi những hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng bia rượu và tiền điện tử mang về mức thù lao hậu hĩnh hơn mặt hàng khác rất nhiều, các VĐV cần phải cẩn trọng. Ngay cả siêu sao Cristiano Ronaldo cũng từng vướng lùm xùm khi quảng cáo cho một sàn giao dịch tiền điện tử toàn cầu. Rủi ro không loại trừ bất cứ ai, dù đó là VĐV nổi tiếng thế giới. Vì thế, VĐV không thể thiếu một đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp nếu muốn phát triển bền vững.

Bên cạnh việc hỗ trợ truyền thông, quảng bá hình ảnh, người đại diện hay nhà quản lý còn cần có kiến thức vững chắc về luật pháp, đặc biệt là các quy định chuyên ngành của từng liên đoàn thể thao. Điều này giúp họ có thể bảo vệ tối đa quyền lợi cho thân chủ trong các thương vụ, cũng như xử lý những tranh chấp phát sinh. Chẳng hạn, trong bóng đá, người đại diện là người trực tiếp đứng ra đàm phán hợp đồng với CLB, phải hiểu rõ từng điều khoản ràng buộc, từ mức lương, thời hạn hợp đồng cho đến các điều khoản phụ như thưởng thành tích hay phí chuyển nhượng. Khi có tranh chấp xảy ra, người đại diện sẽ là người đại diện pháp lý để cầu thủ gửi đơn khiếu nại lên FIFA hoặc Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS).

Với vai trò quan trọng đó, FIFA hiện chỉ cấp Giấy phép người đại diện cầu thủ (FIFA Football Agent License) cho những ai vượt qua kỳ thi do chính FIFA tổ chức, trong đó bao gồm các nội dung phức tạp liên quan đến quy chế chuyển nhượng quốc tế, luật của FIFA, và các quy định của Tòa án CAS. Việc hiểu và vận dụng đúng luật không chỉ giúp VĐV được đảm bảo quyền lợi tối đa mà còn giúp tránh những rủi ro pháp lý trong suốt sự nghiệp thi đấu của họ.

KHÔNG CHỈ LÀ KIẾN THỨC

Người quản lý, người đại diện cần rất nhiều kiến thức ở những lĩnh vực để bảo đảm tốt nhất cho quyền lợi của VĐV, nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ. Họ cần có "insights" (tạm dịch: hiểu biết sâu sắc) về thị trường, về môn thể thao và cả hiểu rõ tính cách VĐV mà mình đang quản lý. Đây là những giá trị không thể học hành qua trường lớp mà cần tích lũy thông qua kinh nghiệm thực tế.

Một lãnh đạo của Liên đoàn Bóng chuyền VN chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này: "Ví dụ như VĐV tham gia ở VN sẽ có những đặc thù rất khác ở Mỹ hay ở châu Âu. Từ việc định giá thương mại cho đến các quy tắc ứng xử của mỗi thị trường rất khác nhau. Ở VN, thị trường thể thao chưa thực sự phát triển nên người đại diện càng cần có những kiến thức sâu sắc để có khả năng xây dựng mạng lưới các quan hệ đối với nhà tài trợ, quảng cáo, cũng như định giá thương mại trong mỗi giai đoạn hoặc mỗi lĩnh vực cho phù hợp. Ví dụ, người đại diện cho VĐV môn bóng đá thì cần phải nắm rõ thị trường thể thao môn bóng đá đang được quan tâm như thế nào? Đối tượng ra sao? Khả năng ảnh hưởng của VĐV mà mình đại diện đối với người hâm mộ đến mức độ nào? Và quan trọng hơn cả là tiêu chí lựa chọn VĐV trở thành đại sứ của các nhãn hàng, hoặc CLB. Thông qua VĐV mà mình đại diện thì nhãn hàng tài trợ/quảng cáo sẽ thu lợi được gì... Hay người đại diện cho VĐV bóng chuyền khi chuyển nhượng cho các CLB nước ngoài thì cần phải đánh giá được giá trị của VĐV mà mình đại diện tại thị trường đó là bao nhiêu? Sự khác biệt giữa hai thị trường là như thế nào? Cần chuẩn bị những gì để VĐV mà mình đại diện có thể thi đấu tốt".

Nhìn chung, một VĐV muốn khai thác giá trị thương mại tương xứng với năng lực chuyên môn, hình ảnh của mình cần một người dìu dắt. Vị lãnh đạo trên chia sẻ thêm: "Nếu chỉ có một mình, VĐV khó tiếp cận với các cơ hội nhận được tài trợ trợ/quảng cáo vì thiếu mối quan hệ. Thiếu kỹ năng đàm phán hợp đồng nên có thể bị bất lợi về giá trị hoặc rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng... VĐV cũng không đủ thời gian và kiến thức để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, dễ mắc các lỗi khi tiếp xúc với truyền thông hoặc công chúng… Ngoài ra, VĐV còn gặp nhiều bất lợi khác trong việc phát triển sự nghiệp như khó tiếp cận với các cơ hội ra quốc tế do yếu ngoại ngữ. Hầu hết VĐV còn khá yếu về khả năng định hướng nghề nghiệp dài hạn". (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/vdv-viet-nam-kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-can-nguoi-diu-dat-185250718234356616.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm