Hội thảo có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 theo định hướng của Chính phủ, việc xây dựng một hệ sinh thái đào tạo đồng bộ - gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế - là yêu cầu cấp thiết.
Ý kiến các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, ngành công nghiệp vi mạch - lĩnh vực đang được xem là "trái tim" của nền kinh tế số, các chiến lược đào tạo và nguồn lực phù hợp cho Việt Nam cần được các trường đại học chú trọng.
Trong quá trình đó, cần xây dựng hệ sinh thái hợp tác giáo dục - doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài, đó chính là mô hình phát triển bền vững cho nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam.
Với mô hình này, sinh viên không chỉ được đào tạo về kiến thức nền tảng mà còn được trải nghiệm các chương trình thực tập tại dự án của doanh nghiệp từ sớm.
Ông Vũ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2030 không phải chỉ để làm việc ở Việt Nam, mà sẽ đi làm việc ở các tập đoàn nước ngoài, sau đó quay lại Việt Nam, do đó, yêu cầu đào tạo phải đạt chuẩn quốc tế.
“Đơn cử như ngành sản xuất chíp, tiềm năng đối với nhân lực ngành này rất lớn. Học thì khó, nhưng thành quả sẽ rất ngọt ngào”, ông Thịnh nhắn với sinh viên.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, trong năm 2025, FPT đặt mục tiêu đào tạo 2.500 kỹ sư bán dẫn; đến năm 2023 đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn. Nhu cầu nhân lực bán dẫn là rất lớn, vì hiện có nhiều đối tác lớn sẽ đầu tư các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp về bán dẫn ở Việt Nam.
“25 năm trước, Việt Nam phấn đấu sẽ trở thành một quốc gia đứng đầu về công nghệ thông tin, đến nay đã có 1 triệu người làm trong lĩnh vực này, đó là một kỳ tích. Bây giờ chúng ta bắt đầu đặt bước chân đầu tiên trong hành trình đào tạo nhân lực bán dẫn, chúng ta đặt mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia về bán dẫn, có một lực lượng nhân lực bán dẫn dồi dào”, ông Tú chia sẻ.
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các bên và trao học bổng cho sinh viên ngành công nghệ bán dẫn theo chương trình liên kết quốc tế giữa Asia University, Đài Loan và Trường Đại học FPT, mở ra cơ hội du học, thực tập và việc làm ở các tập đoàn hàng đầu tại “thủ phủ ngành bán dẫn” cho thế hệ trẻ Việt Nam; trao học bổng cho sinh viên ngành bán dẫn.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/viet-nam-huong-toi-dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-dat-chuan-quoc-te-post791496.html
Bình luận (0)