
Cán cân Âu - Á “đảo chiều”
Tính đến năm 2015, thị trường khách quốc tế chủ lực của Quảng Nam vẫn là Tây Âu - Bắc Mỹ và Úc. Trong đó, từ năm 2012 - 2013 về trước, tỷ lệ khách Âu - Mỹ - Úc thường xuyên chiếm hơn 70% tổng lượng khách quốc tế của Quảng Nam nên được định vị là thị trường truyền thống của du lịch Quảng Nam. Những năm đó, Nhật Bản là thị trường châu Á duy nhất nằm trong tốp 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Quảng Nam.
Tuy nhiên, cán cân này đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó thị trường Hàn Quốc chỉ trong vài năm đã có bước nhảy vọt. Từ chỗ là thị trường tiềm năng với vài nghìn lượt khách đến Quảng Nam vào năm 2010 đã bứt lên thành thị trường chủ lực, duy trì vị thế dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam từ năm 2017 đến nay.
Thậm chí, vào năm 2019, riêng Hàn Quốc chiếm đến hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Quảng Nam, bỏ rất xa các thị trường còn lại. Ngay cả với Khu đền tháp Mỹ Sơn - điểm đến thuần về du lịch văn hóa - lịch sử, hiện cơ cấu khách châu Á năm 2024 cũng đã chiếm 45%, vượt lên so với khách châu Âu (khoảng 35%).

Một thị trường châu Á khác cũng đang tăng trưởng rất mạnh mẽ là Đài Loan (Trung Quốc) khi trong năm 2024 thị trường này thậm chí đã vượt mặt Hàn Quốc để trở thành thị trường quốc tế có lượng khách lưu trú cao nhất tại Hội An.
Theo thống kê từ Sở VH-TT&DL, trong năm 2024 có đến 5/10 thị trường khách quốc tế lưu trú Quảng Nam nhiều nhất nằm ở khu vực châu Á. Trong đó, 2 thị trường khách Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt dẫn đầu, chiếm đến gần 34% tổng số khách quốc tế lưu trú ở Quảng Nam.
Rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, Hội An) có thể xem là một điểm đến phản ánh đậm nét sự dịch chuyển của cơ cấu khách quốc tế ở Quảng Nam.
Thống kê của UBND xã Cẩm Thanh, chỉ có khoảng 100 nghìn lượt khách (khoảng 12%) từ các thị trường phương Tây trong số hơn 850 nghìn lượt khách quốc tế ghé thăm rừng dừa Bảy Mẫu trong năm 2024. Còn lại hơn 85% khách đến từ các thị trường châu Á, trong đó Hàn Quốc chiếm đến 55% gần như áp đảo so với các thị trường còn lại. Một số thị trường khách châu Á quan trọng khác của điểm đến này là Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…
Đáng chú ý, một thị trường mới nổi khác ở châu Á là Ấn Độ cũng chiếm đến 9% tổng lượt khách ghé thăm rừng dừa Bảy Mẫu. Một thống kê mới đây chỉ ra, cứ 2 khách Ấn Độ đến Việt Nam thì có 1 khách ghé Đà Nẵng.
Với dư địa thị trường “tỷ dân” còn rất lớn, cộng thêm việc xúc tiến đường bay thẳng, chính sách thu hút thị trường này của Quảng Nam - Đà Nẵng, dự báo lượng khách Ấn Độ đến Hội An nói riêng và Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, Hội An đã nỗ lực cân đối tỷ lệ các thị trường khách quốc tế. Thực tế thị trường khách phương Tây vẫn chiếm khoảng 50% tỷ trọng khách quốc tế lưu trú tại Hội An.
Nguy cơ “lợi bất cập hại”
Nhìn chung, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường khách châu Á góp phần đáng kể để du lịch Quảng Nam nâng cấp quy mô ngành du lịch (năm 2024 đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, gấp đến 5 lần so với năm 2010); gia tăng thu nhập xã hội từ du lịch (năm 2024 đạt hơn 21,6 nghìn tỷ đồng); cạnh đó một số điểm đến định vị thị trường mục tiêu là khách Đông Bắc Á cũng được hình thành, phát triển góp phần đẩy mạnh thương hiệu du lịch Quảng Nam, đáng kể nhất là Hoiana.
.jpg)
Dù vậy, cùng thời điểm tỷ trọng khách quốc tế đến Quảng Nam có sự dịch chuyển giữa các thị trường cũng là khoảng thời gian bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề tạo áp lực lên ngành du lịch.
Cứ sập tối hàng ngày, bước vào Khu phố cổ Hội An dễ dàng cảm nhận được sự ngột ngạt của điểm đến này khi luôn có hàng ngàn du khách chen chúc trong một phạm vi nhỏ, ước tính vào một số ngày cao điểm có thể lên đến hơn 10 nghìn lượt khách/ngày.
Áp lực lên môi trường di sản là rất lớn, ước tính có hơn 30% lượng rác thải phát sinh mỗi ngày (khoảng 100 tấn) tại Hội An có nguồn gốc từ rác thải du lịch.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, tình trạng phố cổ Hội An chật chội, nêm kín du khách bắt đầu từ khoảng năm 2015 khi một số thị trường khách châu Á bắt đầu tăng trưởng nóng và sức ép lên điểm đến này ngày một lớn hơn.
“Từ lâu, đây là điểm đến yêu thích của dòng khách châu Âu, nhưng thời gian qua nhiều du khách thất vọng vì vào phố cổ ban đêm bây giờ toàn chỉ thấy bóng người, không cách gì thưởng ngoạn được vẻ đẹp thanh bình, trầm lắng của di sản này nữa. Nếu không sớm thay đổi thì nguy cơ Hội An sẽ trở thành một điểm đến vệ tinh, giá rẻ” - ông Sơn nói.
Với điểm đến rừng dừa Bảy Mẫu, có một thời kỳ trước dịch COVID-19, nhiều khách châu Âu lảng tránh điểm đến này bởi không gian quá xô bồ dẫn đến các cơ sở lưu trú ở các khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng vì lượng khách phương Tây sụt giảm.
Theo một doanh nghiệp lữ hành tại địa phương, khách châu Âu có xu hướng thích sự tĩnh lặng khi tham quan rừng dừa trong khi dòng khách châu Á nhìn chung lại thích không khí sôi động, huyên náo nên xảy ra sự tương khắc nếu phục vụ chung một không gian là tất yếu. Không riêng rừng dừa Bảy Mẫu, ở các điểm đến khác, trong khi khách châu Á thích sử dụng xe điện, xích lô thì khách châu Âu lại thích trải nghiệm xe đạp hoặc dạo bộ hơn.

Cũng từ giai đoạn khoảng 2017 - 2018, một loại hình lưu trú và cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc một thời ở Hội An là homestay dần xuống dốc, biến tướng so với tính chất của loại hình này.
Việc số lượng cơ sở lưu trú tại Hội An tăng quá nhanh (năm 2005 ở Hội An có 73 cơ sở, năm 2010 chỉ tăng lên 86 cơ sở nhưng năm 2024 con số này đã lên đến 864 cơ sở) cũng là một lý do khiến loại hình homestay bị cạnh tranh khốc liệt, phải hạ giá triệt để (có lúc xuống dưới 200 nghìn đồng/đêm) và không còn duy trì sức hút như trước năm 2010.
Một chủ homestay ở phường Cẩm Châu bộc bạch: “Giá phòng homestay có thời điểm như giá nhà nghỉ bình dân thì du khách không thể nào cảm nhận được giá trị homestay đúng nghĩa ở Hội An”.
Năm 2024, chính quyền thành phố cho phép thí điểm kinh doanh lưu trú theo mô hình homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) tại Khu phố cổ Hội An. Đây là một động thái được kỳ vọng phần nào phục hồi lại loại hình lưu trú du lịch mang bản sắc Hội An nhưng người dân không mấy mặn mà bởi cân đo đong đếm lợi ích từ việc kinh doanh các dịch vụ khác quá chênh lệch.
Lượng khách châu Á đến Hội An rất lớn nhưng lượng lưu trú không như kỳ vọng (công suất phòng năm 2024 chỉ đạt gần 47%, giảm thêm hơn 4% so với năm 2023) trong khi lượng phòng lưu trú ngày càng gia tăng.
Chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo phản ánh từ các đơn vị lữ hành, khách Âu - Mỹ - Úc có xu hướng lưu trú dài ngày hơn (thông thường từ 3 - 4 ngày trở lên), còn phần lớn khách Á lưu trú ngắn ngày hơn, thậm chí chuộng tour tham quan Hội An - Mỹ Sơn trong ngày rồi trở về Đà Nẵng… Từ đó dẫn đến lượng khách quốc tế đến Quảng Nam tuy nhỉnh hơn nhưng lượt khách quốc tế lưu trú chỉ chưa bằng 50% so với Đà Nẵng (năm 2024 Đà Nẵng phục vụ hơn 4,1 triệu lượt khách lưu trú).
Tốp 10 thị trường khách quốc tế lưu trú lớn nhất Quảng Nam 2024:
Hàn Quốc: 386.669 lượt
Đài Loan (Trung Quốc): 286.203 lượt
Úc: 149.553 lượt
Anh: 128.537 lượt
Pháp: 101.058 lượt
Mỹ: 95.463 lượt
Đức: 87.482 lượt
Malaysia: 65.623 lượt
Trung Quốc: 53.874 lượt
Ấn Độ: 52.048 lượt
--------------------------------
Bài cuối: Bài toán điểm đến bền vững
Nguồn: https://baoquangnam.vn/xoay-chuyen-co-cau-thi-truong-khach-quoc-te-den-quang-nam-bai-2-su-dich-chuyen-doi-voi-dong-khach-chau-a-dong-bac-a-3153402.html
Bình luận (0)