Ứng dụng máy cuộn rơm trong sản xuất nông nghiệp. |
Từ kết quả dồn điền, đổi thửa trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Xuân Trường đã tập trung, tích tụ ruộng đất hình thành các vùng sản xuất lớn, chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa, đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng thuận lợi cho tưới tiêu, đi lại vận chuyển vật tư sản xuất cũng như thu hoạch sản phẩm bằng phương tiện cơ giới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu thuê mượn sản xuất nông nghiệp hàng hóa và đầu tư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Xuân Trường là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đến nay, trên địa bàn huyện có 80 cánh đồng lớn, 8 mô hình liên kết, 5 doanh nghiệp và trên 100 tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ được 852ha sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa giống và rau màu các loại. Điển hình là Công ty TNHH Cường Tân tích tụ ruộng đất và liên kết với 13 nhóm hộ nông dân đầu tư sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy mô 50ha tại xã Xuân Ninh tạo thêm hàng nghìn ngày công lao động mỗi năm cho nông dân địa phương; Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Diệu tích tụ ruộng đất và đầu tư sản xuất 13ha cây dược liệu (cây đinh lăng, cây gấc) kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại vùng bãi các xã Xuân Thành, Xuân Tân cho thu nhập cao hơn 4-6 lần so với trồng lúa… Năng suất lúa bình quân của huyện đạt 125,2 tạ/ha/năm; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2024 đạt 145 triệu đồng.
Chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hiện huyện có 30 cơ sở chăn nuôi trang trại. Trong đó, có 1 trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam ở xã Xuân Ninh quy mô hơn 1.200 con lợn nái đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. 100% cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện sử dụng hệ thống máng uống tự động, trên 50% cơ sở chăn nuôi có hệ thống làm mát sử dụng động cơ, việc cung cấp thức ăn cho lợn thịt, lợn con đều sử dụng xi lô để chứa thức ăn nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tận dụng lợi thế có 2 con sông lớn (sông Hồng và sông Ninh Cơ) chảy qua, nhiều hộ dân ven sông đã đầu tư vốn để phát triển nuôi cá lồng với các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chép giòn… Có 2 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến cá truyền thống đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Phúc với mặt hàng sản xuất, kinh doanh là cá lăng, cá trắm đen, cá trắm cỏ và hộ kinh doanh Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh với mặt hàng sản xuất kinh doanh là cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép.
Bên cạnh chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, huyện Xuân Trường cũng hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình là mô hình sản xuất nước đóng bình, đóng chai của hộ kinh doanh Đặng Văn Biên, xã Xuân Hồng với sản phẩm nước uống Vina Hành Thiện được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; mô hình đã thu hút và giải quyết việc làm cho 15 lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất nem, giò, chả của hộ sản xuất kinh doanh Bùi Quang Điện, xã Xuân Phúc với các sản phẩm là nem, giò, chả, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao giải quyết việc làm cho 6 lao động, với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất gạo Hom Xuân Thành kết hợp với khai thác con rươi của Công ty cổ phần Du lịch Trường Khoa, xã Xuân Thành với sản lượng trên 20 tấn gạo/năm và trên 2 tấn rươi/năm thu hút, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng…
Nhờ đổi mới tư duy làm nông nghiệp nên kinh tế nông nghiệp của huyện Xuân Trường đã có những chuyển biến tích cực về chất. Tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản trong cơ cấu kinh tế tuy giảm nhưng giá trị kinh tế tăng cao,… Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi trội. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 7/13 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, thị trấn Xuân Trường được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, xã Xuân Phúc đạt chuẩn xã thông minh; có 140/167 thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Những mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn đa dạng và hiệu quả đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Xuân Trường. Sự linh hoạt, dám nghĩ dám làm của người nông dân kết hợp với chính sách hỗ trợ của địa phương đã tạo nên những thay đổi tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của địa phương trong bối cảnh mới, kỷ nguyên vươn mình của quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nguồn: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202504/xuan-truong-phat-trien-da-dangcac-mo-hinh-kinh-te-nong-nghiep-62758c4/
Bình luận (0)