Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Bê tông và Xây dựng Thâm Quyến (xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên). |
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ) đã ban hành nhiều văn bản đốn đốc, hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đến UBND các huyện, thành phố, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh... Không dừng lại ở văn bản, công tác tuyên truyền về ATVSLĐ cũng đã được triển khai quy mô và chiều sâu.
Qua hơn 100 sản phẩm truyền thông, từ băng rôn, tờ rơi, đến phóng sự chuyên đề trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên trong thời gian qua, thông điệp về ATVSLĐ đã đến gần hơn với từng doanh nghiệp, từng làng nghề, từng công nhân. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Hội đồng ATVSLĐ tỉnh triển khai quyết liệt.
Năm 2024, cơ quan chuyên môn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 57 doanh nghiệp, ban hành 44 kiến nghị, 8 quyết định xử phạt với tổng số tiền 124,5 triệu đồng. Đồng thời, đưa ra 93 kiến nghị chấn chỉnh và hướng dẫn tại 42 doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa kịp thời việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ và Luật Bảo hiểm xã hội. |
Việc phát hiện kịp thời những vi phạm, đưa ra kiến nghị chấn chỉnh, xử phạt các hành vi vi phạm và hướng dẫn cụ thể đã giúp nhiều đơn vị khắc phục hạn chế, nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo hộ lao động, quản lý an toàn vệ sinh lao động và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động (NLĐ). Điều này không chỉ ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động mà còn tạo ra môi trường làm việc công bằng, nhân văn, nâng cao niềm tin của NLĐ đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Năm 2024, cơ quan chuyên môn đã điều tra 27 vụ tai nạn lao động, xử phạt 292 triệu đồng; trong đó có vụ 312 lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ. Công tác điều tra tai nạn lao động được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình đã góp phần làm rõ nguyên nhân sự cố, xác định trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời rút ra những bài học cảnh báo, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa cho cả doanh nghiệp lẫn NLĐ. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những vi phạm nghiêm trọng, không chỉ mang tính răn đe mà còn là lời nhắc nhở các doanh nghiệp phải đặt an toàn lao động lên hàng đầu, coi đó là nền tảng cho sự phát triển lâu dài.
Khu vực sản xuất của Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên). |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Phòng Chính sách Lao động, Sở Nội vụ, cho biết: Trong quá trình kiểm tra tại các doanh nghiệp, yếu tố mà chúng tôi chú trọng nhất đó là sự tuân thủ các quy định về an toàn lao động, từ việc cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ, đến việc đảm bảo môi trường làm việc không có nguy cơ gây hại. Cùng với đó là việc thực hiện quy trình an toàn trong sản xuất, đảm bảo phòng chống cháy nổ, vệ sinh lao động và sức khỏe của NLĐ được bảo vệ tối đa.
Năm 2024, toàn tỉnh đã có 148 doanh nghiệp khai báo thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Điều này cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật. Không chỉ dừng lại ở đó, các lớp tập huấn, đối thoại, hội thảo đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp - NLĐ - cơ quan quản lý. Hơn 170 người đại diện cho 50 doanh nghiệp tham gia các buổi huấn luyện ATVSLĐ, trên 117 doanh nghiệp tham gia đối thoại trực tiếp.
Ông Trần Đình Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Khai khoáng miền núi (trụ sở tại TP. Thái Nguyên): Chúng tôi coi an toàn lao động là yếu tố đầu tiên trong quy trình sản xuất. Công ty đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, trang bị thiết bị an toàn và khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Từ năm 2024 đến nay, đơn vị không xảy ra tai nạn lao động.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, ổn định cho NLĐ, chủ động phòng ngừa sự cố đặc biệt nghiêm trọng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy những vụ tai nạn lao động gây thiệt hại về người và tài sản. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả NLĐ và người sử dụng lao động, nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người sử dụng lao động và NLĐ trong các cơ quan, đơn vị.
Toàn tỉnh phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm. |
Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường lao động, Thái Nguyên đang khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một nền công nghiệp phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của NLĐ. Những hành động thiết thực và chính sách an toàn lao động không chỉ giúp bảo vệ sinh mạng, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội. An toàn lao động chính là yếu tố then chốt để Thái Nguyên tiếp tục vươn lên, trở thành một hình mẫu trong việc phát triển công nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và nền kinh tế.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/an-toan-lao-dong-nen-mong-cho-su-phat-trien-ben-vung-b7a33f4/
Bình luận (0)